Một màn trình diễn nghệ phục vụ du khách tại thác A Nôr
Từ tháng 5-11/2018, Dự án TSX tiến hành hỗ trợ tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch phát triển DLST vùng với mục tiêu hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, phát huy tối đa lợi ích cộng đồng, thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học.
Dự án TSX đã lựa chọn và hỗ trợ triển khai tại mỗi tỉnh một mô hình DLST cộng đồng thí điểm. Tại Thừa Thiên Huế, dự án chọn thôn A Nôr, xã Hồng Kim (A Lưới) làm mô hình thí điểm DLST dựa vào cộng đồng. Dự án đã tổ chức 5 khóa tập huấn và tham quan học tập nhằm trang bị, nâng cao hiểu biết và kỹ năng liên quan đến dịch vụ du lịch cho ban lãnh đạo và các thành viên trong cộng đồng. Khoảng 30 học viên (60% nữ giới) là cán bộ cấp huyện, xã, trưởng thôn và thành viên Ban Quản lý mô hình DLST cộng đồng A Nôr đã tham gia tập huấn về định hướng du lịch sinh thái cộng đồng, kỹ năng quản lý và vận hành điểm du lịch...
Các tổ nhóm chuyên trách (trong đó nữ chiếm khoảng 80%) cũng được trau dồi các kỹ năng về dịch vụ du lịch, như trình diễn văn nghệ truyền thống, kinh doanh lưu trú tại nhà dân (homestay), tiếp đón khách; hướng dẫn du lịch và kỹ năng marketing du lịch, quảng bá điểm đến nhằm đảm bảo các nhóm DLST cộng đồng có thể tự vận hành sau khi hoàn thành mô hình thí điểm.
Dự án TSX còn kêu gọi các đơn vị tư nhân và cộng đồng địa phương đóng góp nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại địa phương. Cụ thể, dự án đã cung cấp và thay mới trang thiết bị cho ba homestay của hộ Hồ Văn Duy, Lê Quang Nhuận và Hồ Thị Trâm; hỗ trợ cải tạo cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch như trang bị xe đạp leo núi, dụng cụ sơ cấp cứu, đồ bảo hộ và các trang thiết bị phục vụ trình diễn nghệ thuật. Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã hỗ trợ nâng cấp và xây mới các nhà vệ sinh, sân vườn và hệ thống vệ sinh nước thải. Cộng đồng đã đóng góp vật liệu, công lao động tham gia trồng cây cảnh quan, nâng cao dịch vụ du lịch...
Tin, ảnh: Hoàng Triều