1. Lại nhớ đến chuyện xưa. Về giao thông, ở Thừa Thiên Huế dưới triều Nguyễn, ngoài các đường thủy trên sông, trên các đầm phá và dọc theo biển, còn có nhiều cầu được xây dựng. Đường bộ thì có đường quan và theo đường quan có các trạm dịch được thiết lập: trạm Thừa Nông, Thừa Hóa, Thừa Lưu và Thừa Phước ở huyện Phú Lộc; trạm Thuận Lan ở Phú Vang; trạm Thừa An, Thừa Mỹ ở Phong Điền. Các đường trạm và trạm dịch giữ vai trò quan trọng trong giao thông liên lạc lúc bấy giờ.
Hãy nhắm mắt lại và hình dung. Mỗi trạm đường bộ kia đều có phu trạm và ngựa chờ sẵn. Mỗi khi nhận được lệnh của triều đình là tức tốc người - ngựa lên đường. Con đường từ kinh thành Huế về Thừa Nông (Lộc An) đến Thừa Hóa (Lộc Trì) địa hình bằng phẳng, còn bắt đầu Thừa Hóa là phải lên đèo. Từ Thừa Hóa qua Thừa Lưu (Lộc Tiến) là đèo Phước Tượng, từ Thừa Lưu phải vượt đèo Phú Gia để sang Thừa Phước (thị trấn Lăng Cô) để bắt gặp phía trước là Hải Vân đèo sừng sững. Đúng là, một đèo (Phước Tượng), một đèo (Phú Gia), lại một đèo (Hải Vân, đèo to). Còn có thêm đèo mũi Né nữa, nhưng so với Phước Tượng hay Phú Gia thôi, đó chẳng khác chi gò đất cao cần vượt để chuẩn bị cho hành trình vượt đèo gian khó nên người đời không nhắc.
Ai từng một lần đi bộ qua đèo sẽ hiểu và thấm thía hơn hành trình vượt đèo và nhiệm vụ nhọc nhằn của người phu trạm năm xưa với giọt mồ hôi nhễ nhại và tiếng vó ngựa vang xa. Họ không được phép chậm trễ dù bất kỳ lý do nào. Hèn chi mà từ trạm dịch Thừa Nông đến Thừa Hóa dài tới 35 dặm lẻ, gấp rưỡi quãng đường còn lại từ Thừa Hóa đến Thừa Lưu và từ Thừa Lưu về Thừa Phước, vùng đất xuyên qua An Cư, một trong bốn tổng của huyện Phú Lộc.
2. Tôi đã nhiều lần vượt đèo. Cái thế giới ở bên kia đèo bao giờ cũng đầy thú vị bất ngờ. Ví như, bên ni nhìn thấy mênh mông sóng nước Cầu Hai, thế nhưng qua đèo Phước Tượng là đã thấy trập trùng núi đồi và cát trắng, xa về phía đông là vịnh Chân Mây thấp thoáng. Còn bên kia đèo Phú Gia đã là vịnh Lăng Cô và đầm Lập An. Sử cũ chép rằng, một lần đặt chân lên ngọn đèo này nhìn về phía vịnh Lăng Cô thấy các vùng dân cư có rất nhiều gia đình giàu có và rất nhiều cô gái đẹp, vua Gia Long “tức cảnh sinh tình” nên đã đặt tên là đèo Phú Gia (gia đình giàu có) vào năm 1809.
Qua khỏi đèo Phước Tượng chừng nửa cây số, rẽ vào Cù Dù (Lộc Vĩnh) là khu du lịch đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô với bãi biển hoang sơ, khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ. Tôi đã có dịp nghỉ lại đây và đã cảm nhận được tiện nghi, đẳng cấp và cả những khác biệt đặc sắc mà khu du lịch này mang lại. Có thể xem, Laguna Lăng Cô là viên gạch và là điểm nhấn đầu tiên đầy ý nhị và táo bạo về sự ra đời của khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô được kỳ vọng và gửi gắm, nằm giữa các ngọn đèo Phước Tượng, Phú Gia và Hải Vân.
Buổi tối đầu tiên nghỉ lại ở Laguna Lăng Cô, lỡ uống thêm chai nước lọc (vượt quy định) được tính với cái giá cực khủng gần 150 ngàn đồng (mà vẫn thấy hài lòng), tôi như thấm thía hơn giá trị mà du lịch VIP mang tới nơi vùng đất cách nay không lâu còn là lắm hoang sơ này. Chợt nhớ tới ông vua tân thời Khải Định. Ngay trong chuyến “tuần tỉnh quan phong” đầu tiên vào mùa hè năm 1916, vua Khải Định đã phát hiện ra Lăng Cô. Để rồi, sau khi trở lại Hoàng cung, nhà vua liền ban lệnh cho Bộ Công về Lăng Cô xây dựng một “hành cung” để hoàng gia nghỉ mát vào mùa hè. Nhà vua đặt tên cho hành cung này là “Tịnh Viêm” (nghĩa đen: làm dịu sự nóng nực). Khoảng cách giữa Tịnh Viêm và Laguna là hơn 100 năm.
Sau 5 năm xây dựng, tháng 6/2005, hầm đường bộ Hải Vân hiện đại và dài nhất Đông Nam Á được đưa vào sử dụng. Sau đó không lâu là các hầm đèo Phước Tượng và Phú Gia cũng hoàn thành. Lần đầu tiên đi qua, tôi chợt nghĩ, vậy là nỗi sợ Hải Vân, nỗi sợ những con đèo xứ Huế có từ bao đời nay, thôi nhé từ nay chỉ còn là hoài niệm. Thế nhưng, đằng sau cảm nhận yên bình kia với tôi và bao người là khát khao chinh phục những ngọn đèo thần thoại.
3. Chuyện xưa lưu truyền, rằng ở Hói Mít thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô ngày nay, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1775) có một đồn lính. Năm 1774, quân Trịnh ở Đàng Ngoài tiến đánh Thuận Hóa. Đầu năm 1775, kinh đô Phú Xuân thất thủ, chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng quan quân bỏ Huế chạy vào Quảng Nam bằng thuyền. Sau hành trình đầy nhọc nhằn vượt sông, băng đèo từ Phú Xuân về, một số binh lính hộ vệ gia đình nhà Chúa, gồm mẹ là bà Nguyễn Thị Ngọc Cầu và nhiều phi tần đã tìm được vào lẩn trốn ở đồn Hói Mít khi phía trước họ “lại một đèo” Hải Vân sừng sững.
Về Lăng Cô, tôi đã tìm đến nơi lưu lại dấu tích của đồn Hói Mít năm nào. Tôi cũng cố tìm lại các trạm dịch ngày xưa. Thế nhưng, chỉ còn trong cuộc sống hôm nay cái tên Thừa Lưu gợi nhớ, còn lại Thừa Phước, Thừa Hóa và Thừa Nông chỉ là hoài niệm và ký ức mờ xa. Nhớ hôm rồi, bạn bè hàn huyên, một anh bạn là nhà nghiên cứu sử học nghe tôi nhắc lại chuyện cũ, đã có ý kiến đề xuất sao không xây dựng tour du lịch vượt đèo cho Huế? Rồi anh bảo, này nhé, ta đầu tư phục hồi lại các trạm dịch y như thuở nào, có ngựa, có phu trạm, cai đội, phó đội và cả cái đồn Hói Mít xưa kia nữa. Hành trình vượt đèo bằng ngựa bắt đầu từ trạm Thừa Hóa hay xa hơn có thể tận phía nam kinh thành Huế, về Thừa Lưu, Thừa Phước và dừng lại ở đòn Hói Mít (hay có thể vượt đèo Hải Vân).
Tôi nghĩ, đó là ý tưởng tuyệt vời, đầy mạo hiểm và những khám phá thú vị nơi vùng đất có 3 đèo dựng qua nhưng lại mang một cái tên An Cư yên lành. Chợt thấy thấm thía sao câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Một đèo, một đèo, lại một đèo” (Đèo Ba Dội) đầy thôi thúc. Lại nghĩ, câu thơ của Bà Chúa Thơ Nôm kia viết ra hình như là dành cho chuyện 3 đèo nơi xứ Huế mình.
Bài: ĐÌNH NAM - ẢNH: NGUYỄN PHONG