Sản phẩm của các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Huế ra thị trường

Nhiều tín hiệu vui

2019 là năm đánh dấu những bước tăng trưởng mạnh của ĐH vùng trên mảnh đất Cố đô. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH), số bài báo xuất bản trên tạp chí có uy tín của năm học này (2018 - 2019) đã có đến hơn 400 bài, tăng gần 20% so với năm học trước. Ngoài ra, các đề tài cấp Bộ và cấp tỉnh tiếp tục tăng đến 15%.

Con số trên chỉ là một phần trong niềm vui chung. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin số công trình công bố quốc tế nằm trong danh mục các tạp chí ISI, SCI, SCIE của các cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ. Điều ấn tượng là với 195 bài báo được công bố, ĐH Huế xếp thứ 2 trong số 28 cơ sở giáo dục ĐH, chỉ đứng sau Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (315 bài). Đồng thời, ĐH Huế cũng có mức tăng cao so với năm 2017 (được công bố năm 2018) gần 20%.

Nỗ lực trong NCKH, ĐH Huế được đền đáp bằng tin vui trên bảng xếp hạng (BXH) ĐH. Trong BXH Webometrics các ĐH thế giới (nửa cuối năm 2019), Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha đưa ra thì đáng mừng là so với xếp hạng tháng 1/2019, ĐH Huế tăng 2 bậc trong các cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam, giữ vị trí thứ 8 trong nước và thứ 3.780 của thế giới. Theo PGS.TS. Phạm Khắc Liệu, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế thì điều đặc biệt là trong các tiêu chí, ĐH Huế có những cải thiện đáng kể, nhất là tiêu chí tính mở tăng điểm mạnh, từ 5.041 (1/2019) lên 3.938 (7/2019) của thế giới.

Ngay mới đây, tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) vừa công bố BXH các cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á năm 2019 – 2020 và Việt Nam có 8 trường ĐH lọt vào BXH này, trong đó có ĐH Huế. Ngoài ra, THE (tổ chức xếp hạng uy tín thế giới) còn công bố những ĐH Việt Nam mà sinh viên nước ngoài nên theo học, trong đó có ĐH Huế. THE là tạp chí nổi tiếng với việc đưa ra các BXH ĐH thế giới và cũng là một trong những BXH giáo dục uy tín, ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới. Điều này đồng nghĩa, sự phát triển của ĐH Huế đã được những tổ chức uy tín của thế giới ghi nhận.

Kỳ vọng đóng góp cho tỉnh nhà

Sự phát triển của một ĐH đóng chân ở miền Hương Ngự không nằm ngoài mối liên quan cơ hữu trong việc phát triển của tỉnh nhà, mà luôn góp thêm những động lực để Thừa Thiên Huế bứt phá, vươn lên trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh xác định nhiều nhiệm vụ chủ yếu, trong đó hai nhiệm vụ gắn với ĐH Huế là xây dựng, phát triển thành trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao và xây dựng trung tâm khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung và cả nước.

Thực ra, những nhiệm vụ trên tuy khó nhưng không phải quá tầm với ĐH Huế. Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, năm 2019, ĐH Huế đã hoàn thành đề án xây dựng phát triển ĐH Huế trở thành ĐH Quốc gia để trình các cấp xem xét và thực tế, ĐH Huế đã hội đủ điều kiện để trở thành ĐH Quốc gia Huế. Trong mối tương quan phát triển ĐH, chắc chắn sẽ nâng tầm vị thế của tỉnh nhà, khi Cố đô đang hướng đến trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương với bản sắc văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; nhất là góp phần giúp tỉnh phát huy được vai trò, vị thế là trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Nếu năm 2019, ĐH Huế phát triển số lượng ngành lên gần 140 ngành, thì ở lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐH Huế cũng đang có nhiều thuận lợi để thực hiện những nhiệm vụ để đồng hành, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển. Dễ thấy nhất là ĐH Huế đang phát triển tốt 12 nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện những nghiên cứu tầm cỡ. Ngoài ra, với chiến lược mới trong khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã sẵn sàng cho mục tiêu tăng mạnh số công trình, bài báo quốc tế qua đó nâng xếp hạng ĐH.

Theo đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Quan hệ Quốc tế, ĐH Huế đang tập trung một số tiêu chí để tăng vị trí xếp hạng ĐH. Ngoài ra, với những giải pháp mới, nhất là đẩy mạnh chính sách khen thưởng khuyến khích tài năng để tăng bài báo xuất bản quốc tế, trong tương lai gần sẽ góp thêm không ít niềm vui.

ĐH Huế cũng đã và đang hình thành những đơn vị đào tạo mới, mở thêm những ngành đáp ứng nhu cầu thời đại kỷ nguyên số, ưu tiên về IT, trí tuệ nhân tạo, robot, điện, điện tử… các ngành xã hội có nhu cầu và đón đầu trong thời đại công nghiệp 4.0. Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, có thể kỳ vọng vào sự “sôi động” và phát triển của một ĐH uy tín tại Huế trong năm 2020 và những năm tới.

BÀI, ẢNH: HỮU PHÚC