Nếu tăng ngày lưu trú sẽ giúp các khách sạn giảm được chi phí trong vận hành

Con số này được Hội Lưu trú tỉnh thông tin. Nếu làm một phép tính cộng trừ khá đơn giản sẽ cho ra một đáp án dễ nhận thấy là khách ngủ lại ở TP. Huế chỉ đúng 1 đêm. Con số được cho là thấp nhất trong vài năm trở lại. Trên thực tế, số ngày lưu trú của khách trên toàn tỉnh cũng đang giảm dần qua các năm. Khoảng 5 năm trước, số ngày lưu trú của khách là khoảng 2,2 ngày, qua các năm giảm dần còn 2 ngày, 1,8 ngày, 1,7 ngày và mới hơn chỉ vào khoảng 1,5 ngày.

Có khá nhiều con số khi đưa ra phân tích thể hiện sự mâu thuẫn của du lịch Huế. Số ngày lưu trú giảm, trong khi đó, công suất sử dụng phòng của các khách sạn rất cao, nhất là từ 3 đến 5 sao luôn đạt trên 80%. Trong năm 2019, dự kiến khách du lịch tăng 10,8%, nhưng khách lưu trú chỉ tăng 5,03%. Khách đến Huế vẫn tăng, công suất sử dụng phòng cao, nhưng số ngày lưu trú thấp. Điều này càng cho thấy, mâu thuẫn ở hai vấn đề, khách đến Huế chỉ tham quan mà không ngủ lại; thứ hai, lượng phòng khách sạn ở Huế phát triển không tương ứng với sự tăng trưởng của khách.

Những con số trên càng cho thấy, số ngày khách ở lại để khám phá, tìm hiểu, tham quan, sử dụng các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch khi đến Huế, nhất là TP. Huế còn thấp. Việc không giữ chân được du khách ở lại dài ngày là một hạn chế lớn của ngành du lịch tỉnh trong việc khai thác nguồn khách. Điều này càng cho thấy những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của du lịch trong vài năm tới.

Sẽ có hai chỉ số để đánh giá một điểm đến phát triển: số lượng và chất lượng. Về tăng số lượng khách, ở hướng phát triển này thường được xem là tăng trưởng nóng; hoặc tăng về chất lượng, mà cụ thể là số ngày lưu trú, mức chi tiêu. Hướng phát triển này tất cả các điểm đến đều mong muốn đạt được, chứ không riêng gì Huế bởi thể hiện sự bền vững và chiều sâu. Rõ ràng, khi xét cả trên hai yếu tố trên, Huế chưa thể hiện rõ nét được hướng phát triển nào.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel từng phân tích, qua nhiều năm làm du lịch ông thấy rằng, 70% chi tiêu của khách là vào ban đêm, 30% còn lại là vào ban ngày. Như thế, khách ở lại càng nhiều đêm sẽ càng tăng nguồn thu lớn cho điểm đến. Bên cạnh đó, giảm nhiều chi phí cho khách sạn, giảm các áp lực tăng về lượng khách. Do đó, mục tiêu kéo dài ngày lưu trú cần được tập trung hơn là tăng về số lượng khách.

Mới đây, trên diễn đàn doanh nghiệp du lịch, một số doanh nghiệp cũng mổ xẻ vì sao khách đến Huế ít ở lại. Một loạt nguyên nhân như thời tiết, do giao thông, thiếu chỗ chơi, do phí tham quan đắt, các hãng lữ hành giảm thời gian cho khách ở Huế… Đây quả thật là những vấn đề không mới, nhưng luôn nóng bởi đa số là do chủ quan chứ không phải khách quan.

Một lý do được chỉ ra là khi các điểm đến mới liên tiếp phát triển về lưu trú, dịch vụ, sản phẩm; trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khách không bắt kịp nên xảy ra tình trạng chia nguồn khách giữa các điểm đến. Khi đó, du khách có nhiều lựa chọn, nơi nào mới, có tính cạnh tranh tốt hơn sẽ thu hút khách.

Huế đang muốn lọc nguồn khách, định hướng tăng ngày lưu trú hơn là số lượng khách, vì di sản Huế được cho là có ngưỡng chứa nhất định, nếu khách đến quá đông sẽ gây nguy hại đến di sản. Nhưng để làm được điều trên, trước hết cần có một giá trị thặng dư lớn về nguồn khách, nguồn thu đạt mức cân bằng với số lượng khách mới làm được điều này.

Bài, ảnh: QUANG SANG