Nguyễn Ngọc Hiếu (giữa) nhận Bằng khen tại Lễ tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2019

Hiếu vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, tặng Bằng khen tại lễ tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ VI năm 2019.

"Vác tù và"

Cảm giác thật gần gũi khi đối diện với người cán bộ trẻ có gương mặt, nụ cười tươi tắn, ấm áp. Có lẽ bởi tôi đã từng nghe người thân của anh “than phiền” bằng những lời chứa đựng nhiều trân trọng, rằng Hiếu vẫn thường “vác tù và”, nhiều lúc “bỏ” việc nhà để lo công tác.

Nhưng Hiếu lại trải lòng rất giản dị, với trách nhiệm là một bí thư chi đoàn, đương nhiên anh phải đi đầu, nêu gương để kết nối sự đồng lòng của các bạn trẻ, tạo hiệu quả trong công tác xã hội, những hoạt động thiện nguyện.

Từ hiệu quả thiết thực, ý nghĩa của những hoạt động tặng áo ấm, sách vở cho học trò nghèo huyện Nam Đông; góp tay cùng Đoàn phường Trường An xây nhà “Khăn quàng đỏ” cho một học sinh có hoàn cảnh đáng thương: bố bỏ đi, mẹ bị bệnh mất khả năng lao động; chung sức trong xây dựng nhà đọc sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở phường An Hòa (TP. Huế); tặng vé xe cho sinh viên nghèo về quê dịp tết; chung tay cùng đồng nghiệp toàn ngành xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo huyện A Lưới…, Chi đoàn VKSND TP. Huế nhiều năm liền được Tỉnh đoàn tặng Bằng khen, là một trong những chi đoàn mạnh của Thành đoàn Huế. Thành công đó chứng tỏ vai trò, tâm huyết, đóng góp quan trọng của người thủ lĩnh - Bí thư Chi đoàn Nguyễn Ngọc Hiếu.

Trăn trở với từng vụ án

Thế nhưng, nguyên nhân khiến Hiếu thường “bỏ” việc nhà là vì người kiểm sát viên trẻ dành rất nhiều thời gian để “trăn trở” với từng vụ án mà anh được phân công thụ lý, nghiên cứu, giải quyết, thực hành quyền công tố. “Xử lý án hình sự đồng nghĩa liên quan đến sinh mạng chính trị, danh dự, số phận của một con người, của một gia đình, nên những người “cầm cân” pháp luật cần phải rất thận trọng, chính xác để truy tố, xét xử đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm”- kiểm sát viên Nguyễn Ngọc Hiếu chia sẻ.

Đối với tất cả các vụ án được phân công thụ lý kiểm sát điều tra, Hiếu “lật lui lật tới”, nghiên cứu thật kỹ trước khi đề xuất, tham mưu lãnh đạo ký các quyết định phê chuẩn, các yêu cầu điều tra đúng quy định của pháp luật, không xảy ra trường hợp oan, sai. Sau khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, Hiếu lại nghiên cứu để đề xuất truy tố thật chính xác. Theo trải lòng của Hiếu, nghiên cứu kỹ, nắm rõ vụ án giúp kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, bảo vệ được quan điểm truy tố của Viện Kiểm sát; quan điểm của kiểm sát viên đề nghị được hội đồng xét xử chấp nhận.

Quan trọng hơn, việc nắm rõ vụ án, nắm rõ hoàn cảnh của từng bị can, bị cáo, hoàn cảnh gia đình họ trong quá trình làm việc hoặc ngay tại phiên tòa, kiểm sát viên có thể giải thích, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục một cách “mềm mại”. Từ đó mang lại hiệu quả trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật cho họ. “Khi hiểu, chắc chắn họ sẽ chủ động thay đổi ngay từ lúc chấp hành hình phạt, có thể được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, rút ngắn được thời gian thi hành bản án, sớm có cơ hội hoàn lương, trở lại với cuộc sống bình thường như bao người khác. Bản thân họ phải nỗ lực để tự vươn lên, làm lại cuộc đời. Nhưng giúp họ hiểu ra để thay đổi là trách nhiệm của những kiểm sát viên như tôi và các đồng nghiệp. Vậy nên không chỉ riêng tôi mà mỗi cán bộ ngành kiểm sát đều tận tâm, hết lòng”- Hiếu tâm sự.

Chính vì đau đáu tâm tư đó, trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy mà bị can khá “cứng đầu”, quanh co chối cãi để mong giảm nhẹ tội, biết hoàn cảnh N. đang có 2 con nhỏ, Hiếu động viên vợ N. đến trại tạm giam thăm, chuyện trò với chồng. Sau đó kiểm sát viên Nguyễn Ngọc Hiếu có buổi làm việc kéo dài 4 giờ đồng hồ với bị can, bao gồm cả những chuyện trò, phân tích đúng, sai. Cuối buổi làm việc, khi hỏi bị can có đề đạt nguyện vọng gì, nghe N. muốn vợ gửi cho cuốn tiểu thuyết yêu thích, vị kiểm sát viên trẻ cảm thấy nhẹ lòng. Bởi điều đó chứng tỏ bị can đã hiểu mức độ hành vi phạm tội của mình, tư tưởng đã “thông”. Ngày ra tòa, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, N. được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, được hưởng sự khoan hồng, tòa áp dụng mức án dưới khung hình phạt.

Khi xử lý vụ án có 5 bị can phạm tội “cưỡng đoạt tài sản”, Hiếu rất xót lòng trước những thanh niên vốn lương thiện, trong đó một bị can có 2 đứa con song sinh mới mấy tháng tuổi, vì “mù mờ” về pháp luật mà sa chân vào phạm tội. Vậy nên, trong quá trình làm việc, Hiếu cũng bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, phân tích để các bị can “thấm”, sau này không bao giờ dại dột phạm lại lỗi lầm…

“Kiểm sát viên Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư chi đoàn VKSND TP. Huế là cán bộ trẻ luôn tâm huyết với công việc, nỗ lực học tập, rèn luyện, trau dồi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức và lối sống lành mạnh, là tấm gương cho nhiều cán bộ trẻ trong toàn ngành”- ông Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng VKSND TP. Huế đánh giá.

Nguyễn Ngọc Hiếu vinh dự nhận nhiều phần thưởng như: Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2019”; Bằng khen của Viện trưởng VKSND Tối cao; Bằng khen của Tỉnh đoàn vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2019”; Quyết định công nhận sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc cấp cơ sở của Hội đồng công nhận sáng kiến VKSND tỉnh, … Hiện, Hiếu đang được đề nghị xét trao Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh