Sắp xếp tổ chức, bộ máy phù hợp, hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu đầu tiên để điều hành công việc của đất nước, từng địa phương, tổ chức, đơn vị. Nghị quyết TW 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là quyết tâm chính trị, là kim chỉ nam để khắc phục thực trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, nhiều tầng nấc ở nước ta hiện nay, được dư luận đón nhận tích cực. Theo nghị quyết, đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn; sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.

Với Thừa Thiên Huế, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua được triển khai quyết liệt. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp, sáp nhập đảm bảo tinh gọn bộ máy và ngày càng hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Các đơn vị tích cực sắp xếp lại các phòng ban tinh gọn, giảm cán bộ quản lý cấp phòng, cấp phó. 100% đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và được phê duyệt đề án vị trí việc làm, khắc phục được tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Đến tháng 8/2019, toàn tỉnh giảm 64 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 755 người.

Một sự kiện khác cũng thu hút được sự chú ý của dư luận, ngày cuối cùng của năm 2019, UBND tỉnh công bố và triển khai Nghị quyết 834 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, có 7 đơn vị cấp xã của 5 huyện, thị xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên được sáp nhập. Như vậy, toàn tỉnh chỉ còn 145 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 7 đơn vị.

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ cơ sở còn tác động đến đời sống xã hội, tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư. Điều quan trọng lúc này, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể chính trị - xã hội ở từng địa phương cần có quyết tâm cao và tích cực vào cuộc, tạo sự đồng thuận xã hội về sắp xếp đơn vị hành chính.

Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng khi đi vào thực tế chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài quyết tâm chính trị cao, đội ngũ cán bộ cơ sở phải là người làm gương, sớm ổn định tư tưởng, bắt tay ngay vào công việc để không làm ảnh hưởng đến công việc, đời sống của người dân khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là những bước đi cụ thể, tin rằng đến năm 2021, toàn tỉnh đạt mục tiêu giảm tối thiểu 105 đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015.

Hoàng Minh