Hội CCB huyện A Lưới tặng quà cho Hội CCB huyện Sa Muội, Lào

Sau khi được Hội CCB, chính quyền địa phương xã Đông Sơn (A Lưới) vận động, gia đình anh Nguyễn Văn Phoanh (tên ở Lào là Quỳnh Lá) đã đồng ý trở về bản Cô Tai, xã A Túc, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan (Lào) sinh sống và làm ăn ổn định.

Trường hợp anh Phoanh không phải là cá biệt, khi một số người dân gốc Việt (quốc tịch Lào) ở xã A Túc có đông họ hàng sinh sống ở xã Đông Sơn, nên họ đã tự ý sang xã Đông Sơn sinh sống trái phép, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn xã hội. Sau khi nắm được thông tin, Hội CCB huyện A Lưới phối hợp với Hội CCB xã và các cơ quan đoàn thể cùng vận động các hộ gia đình này trở về Lào làm ăn sinh sống theo đúng quy định của pháp luật.

 Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của huyện Sa Muội còn khó khăn. Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện A Lưới đã có chính sách điều trị bệnh miễn phí cho người dân huyện Sa Muội khi họ về điều trị bệnh tại đây.

Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch Hội CCB Trung tâm Y tế huyện A Lưới cho biết: Trong năm qua, chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị miễn phí cho 405 bệnh nhân người Lào (chủ yếu đến từ huyện Sa Muội) với tổng chi phí trên 300 triệu đồng. Việc làm đó đã khiến người dân nước bạn rất phấn khởi, tin tưởng về tay nghề cũng như sự giúp đỡ, chăm sóc của ngành y tế nước ta, càng góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt – Lào.

Bà Quỳnh Hạt (huyện Sa Muội) cho biết: Do điều kiện chăm sóc sức khỏe ở huyện Sa Muội còn khó khăn nên khi mắc các bệnh nghiêm trọng chúng tôi phải về Trung tâm Y tế huyện A Lưới để điều trị. Không những điều trị tận tình mà chúng tôi còn được miễn phí hoàn toàn các chi phí điều trị, thuốc men.

Cũng may mắn được điều trị khỏi bệnh sỏi thận, ông Khăm Bi (huyện Sa Muội) xúc động: Ở đây các y, bác sĩ coi chúng tôi như người nhà vậy, không phân biệt là người Lào hay Việt, đều thăm khám, chữa bệnh tận tình.

Để làm cơ sở cho Chính phủ Lào giải quyết chế độ chính sách cho các CCB huyện Sa Muội đã có công với cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, Hội CCB huyện đã thu thập thông tin, cung cấp nhân chứng xác minh. Ngoài ra, Hội CCB huyện cũng cung cấp thông tin về 300 nhân chứng lịch sử quân tình nguyện Việt Nam cho Tỉnh ủy Sê Kông làm cơ sở xây dựng lịch sử Đảng bộ tỉnh bạn.

Bên cạnh đó, Hội CCB huyện và các xã biên giới đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ và mọi tầng lớp nhân dân về tình hữu nghị lâu đời của quân và dân hai nước Việt Nam – Lào nói chung và Thừa Thiên Huế - Salavan nói riêng; cùng với lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra 27 cột mốc biên giới. Các hoạt động trao đổi, học tập cũng được đẩy mạnh để giao lưu, học tập kinh nghiệm.

Ông Lê Anh Miêng, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết thêm, trong cuộc giao ban cuối tháng 10/2019, Hội CCB huyện A Lưới và Hội CCB huyện Sa Muội đã cùng nhau trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác hội; đồng thời thống nhất xây dựng tuyến biên hòa bình, hữu nghị, bảo vệ đường biên, cột mốc vững chắc…

Bài, ảnh: THANH THẢO