Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì, Hà Tây năm 1969

Một mùa xuân lại đến với những mầm xanh đua chen vươn cao, hứa hẹn sẽ tỏa thêm bóng mát trên khắp các cánh rừng cho đến mọi ngõ phố, làng quê trong những tháng hè nóng bỏng sắp tới. Một tình cờ thú vị: Trên đường thăm bạn thơ ở đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ (TP. Huế), bỗng nghe vọng từ căn nhà ai đó ẩn sau vòm xanh Thôn Vỹ tiếng hát NSND Thu Hiền:

“Trông cây tôi lại nhớ Người / Rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu…”.

Bài hát do Nguyễn Trung Phong sáng tác dựa theo dân ca Nghệ Tĩnh, được nhạc sĩ Đỗ Nhuận cải biên đã quen thuộc với hàng triệu người mấy chục năm rồi, nhưng nghe vọng lại vào buổi sáng chủ nhật trước thềm Xuân mới, giữa lúc nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế đang tiếp bước thực hiện “Ngày Chủ nhật Xanh” nhằm xây dựng thành phố “Xanh- sạch-sáng”, gợi chúng ta nghĩ đến sức sống và sự tiếp nối ý tưởng tốt đẹp với tầm nhìn xa rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người khai sinh “Tết trồng cây” từ 60 năm trước.

Đó là tính từ lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà con Thủ đô tổ chức Tết trồng cây tại công viên Thống Nhất đầu năm 1960.

Thực ra, theo tác giả Nguyễn Bảo Minh (trên trang hochiminh.vn), Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc trồng cây gây rừng ngay từ khi cách mạng chưa thành công. Trên báo “Việt Nam độc lập” số 114, ngày 01/01/1942, trong bài “Năm mới, công việc mới”, Người đã viết: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây”. Nguyễn Bảo Minh cũng cho biết, trong những bài nói, viết của mình, Người nhắc tới từ “trồng cây” 147 lần, “Tết trồng cây” tới 46 lần; đặc biệt 5 năm liền Bác viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây”.

Người đã đề cập toàn diện lợi ích nhiều mặt của “Tết trồng cây” cũng như cách tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. Trong bài viết “Tết trồng cây” đầu tiên đăng báo “Nhân Dân” từ cuối năm 1959, Người đã sớm nhấn mạnh đến mục đích việc trồng cây sẽ tạo nên “cuộc sống xanh”, bảo vệ và cải thiện môi trường, sinh thái: “…Trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta…”.

60 năm - tròn một “lục hoa giáp” đã qua từ ngày đó! Biết bao đổi thay đã diễn ra trên đất nước ta và khắp thế giới, cho đến tận mỗi căn nhà ở Cố đô Huế - vùng đất dày đặc các giá trị truyền thống, phải luôn chú trọng việc bảo tồn di sản, nên bị không ít người cho là chậm phát triển. Vô số những khu đô thị mới, căn nhà mới mọc lên, ít người còn phải lo tìm gỗ làm cột nhà bởi khoa học kỹ thuật đã tạo vật liệu thay thế, quan niệm kiến trúc cũng đã thay đổi, nhưng điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 60 năm trước ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp Nhân dân. Đó là một “cuộc sống xanh” với “phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn”. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng được du khách ưu tiên lựa chọn không phải lắm tiện nghi sang trọng mà là nơi có nhiều bóng mát, nhiều lối đi yên tĩnh, duyên dáng hòa điệu cùng cây cỏ xanh tươi. Cả những căn phòng trên tầng cao các khu chung cư, người ta cũng tìm mọi cách để không gian sống được tô điểm màu xanh tươi của cây lá…

Thật may mắn là trong quá trình phát triển, về cơ bản, Thừa Thiên Huế đã giữ được màu xanh mà tạo hóa ban cho và được tiền nhân gìn giữ, vun trồng qua bao thế hệ. Nghe câu hát “Trông cây lại nhớ đến Người”, chúng ta không chỉ “Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa…” mà còn biết ơn tổ tiên đã để lại những bài học trồng cây và bảo vệ rừng quý giá. Chợt nhớ mùa hè năm ngoái, chở một đứa cháu từ TP. Hồ Chí Minh ra thăm Huế, khi qua đường Đoàn Thị Điểm ven Tử Cấm Thành mát rượi dưới đôi hàng cây giao cành kết thành vòm xanh như bất tận, cháu xuýt xoa: “Đẹp quá! Tuyệt quá!... Cậu cho cháu đi thêm một vòng nữa!”.

Tôi giảm ga xe và kể cho cháu nghe, không phải bỗng nhiên Huế có những “mái nhà xanh” đẹp như tranh thế này. Ví như Tập san “Những người bạn Cố đô Huế.” (B.A.V.H.) năm 1914 đã ghi, để có rừng thông Nam Giao hôm nay, vua Minh Mạng đã tự tay trồng ở đây 10 cây, có treo thẻ bài mang tên vua bằng đồng. Vua Thiệu Trị cũng trồng 11 cây như vậy. Các ông hoàng, chú bác anh em của vua, mỗi người cũng đều trồng một cây riêng. Đặc biệt, các quan mỗi lần được lên cấp chức, sau khi đến bái yết vua, phải lên Nam Giao trồng một cây thông có treo biển ghi họ tên và ngày tháng được thăng chức. Nhờ cái “mẹo” này của vua Minh Mạng mà rừng thông quanh Nam Giao nhanh chóng lan rộng và ít bị chặt phá. Dân chúng sợ uy vua một phần, nhưng chính cái biển cài theo từng cây đã bảo đảm đời sống cho cây. Không vị quan nào lại muốn để thượng cấp thấy cây thông mang tên mình bị héo khô trong đợt tế lễ hàng năm…

Mà đâu đợi vua quan nêu gương, bản Hương ước làng Phú Bài (Hương Thủy) có đoạn ghi: “Người nào vào rừng chặt cây từ một nhánh trở lên… bị phạt tám quan và bị đánh đòn 40 roi; người giữ rừng nếu bao che đều bị đòn…”.

Thế là từ việc trồng cây đã thành chuyện về con người - người nêu gương và những kẻ do thiếu hiểu biết hay bị lòng tham làm mờ mắt. Chủ tịch Hồ Chí Minh từ hơn 60 năm trước - trong dịp đến thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, cũng đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” Có con người đạo đức, biết tôn trọng quy luật tạo hóa, biết chọn cách sống hòa hợp thiên nhiên thì ắt sẽ giữ được mái nhà xanh của trái đất, “góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta…” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết từ 60 năm trước.

Trước mùa Xuân mới, trước chặng đường phát triển mới của đất nước – nhất là khi Huế đang có dự tính mở rộng gấp 5 lần hiện tại, mỗi bước đi tới càng cần nhớ tới những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các “Tết trồng cây” trước đây, mới có thể thực hiện được ý tưởng xây dựng đô thị “xanh-sạch-sáng”, làm cho Huế thực sự trở thành điểm đến ưu tiên của du khách gần xa…

 

Bài: Nguyễn Khắc Phê

Ảnh: Tư liệu