Ở Bhutan, những di tích luôn được rừng già bao bọc

Tôi đã gặp điều đó vài nơi chốn tôi qua.

Ở Bhutan, cái xứ địa đàng bên triền Hymalaya tôi đã may mắn đến được, chứng kiến tất cả tâm thế nâng niu thiên nhiên của người dân ở đó. Nhà vua Bhutan đã từng ra một sắc lệnh khi một cây rừng bị chặt đi người dân phải trồng lại ba cây khác thay vào. Ở Bhutan 72% diện tích đất nước này được che phủ bởi rừng rậm là một con số cao vào bậc nhất thế giới, nhưng không bằng lòng với con số ấy, người Bhutan vẫn luôn tìm mọi cách để tăng độ che phủ của rừng và từ lâu, nhà vua luôn là người tìm cách để đưa diện tích rừng tăng lên mỗi năm.

Hàng năm, dịp kỷ niệm lễ đăng quang của mình, hay lễ sinh nhật, thay vì Nhân dân chờ đợi được xem những cuộc diễu hành huy hoàng và tráng lệ, nhà vua đã tuyên bố đó sẽ là ngày “lâm nghiệp xã hội”, các trường học cũng như cộng đồng dân cư được nghỉ lễ để đi… trồng cây! Và chính thiên nhiên đã đền đáp lại cho đất nước Bhutan những ân tình bằng chính những gì người dân đã đối xử với cây cỏ.

Trên những con đường nhiều quanh co nguy hiểm mà chúng tôi đi qua, tuy đường sá dốc đèo hiểm trở nhưng hầu như chúng tôi không gặp một điểm sạt lở nào trên đường, điều ấy có được chính là nhờ những tán rừng cổ thụ điệp điệp trùng trùng hai bên đường kiên trung giữ đất. Con đường tuy hẹp nhưng có lẽ người Bhutan không muốn mở rộng hơn, bởi sợ rằng sẽ phải phá đi những cây cối bên lề đường. Và con đường dẫu hẹp, thời gian đi lại có lâu hơn, nhưng bù lại, gìn giữ được cây rừng và thiên nhiên, đó cũng là một triết lý “sống chậm” nữa của Bhutan mà chúng tôi đọc được trong những ngày rong ruổi.

Bài học gìn giữ những cánh rừng trên đất nước Bhutan cũng đã được nhà vua Jigme Singye Wangchuck rút ra từ kinh nghiệm đau thương của đất nước Nepal “hàng xóm”. Những cánh rừng ở Nepal bị đốn trụi đã mang đến tai ương với lũ lụt và hạn hán triền miên, bởi thế, để không “dẫm lên” vết chân Nepal, người Bhutan đã làm cho xứ sở của mình trở thành quốc gia có độ che phủ của rừng cao nhất thế giới!

Thật kỳ lạ, sau chuyến đi Bhutan về, tôi lại gặp một “tâm thức rừng” như vậy ở một cộng đồng người thiểu số ở chót vót cao nguyên đá Hà Giang-dân tộc Pu Péo.

Đây là một tộc người khá kỳ lạ bởi cách mà họ tôn trọng thiên nhiên. Giữa bạt ngàn núi đá Hà Giang, nếu người Mông có thể sống trên đá chết vùi trong đá thì người dân Pu Péo sống không thể thiếu rừng. Ở đâu có cộng đồng Pu Péo, ở đó có những cánh rừng còn lại. Hàng năm lễ cúng thần rừng được diễn ra trang trọng theo luật tục. Và nếu bất cứ ai xâm hại đến rừng, hình phạt của bộ tộc sẽ còn cao hơn những hình phạt pháp lý. Những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi xảy ra chiến tranh biên giới, cư dân vùng biên được di dời về tuyến sau, những người dân Pu Péo cũng thế, nhưng chỉ một thời gian, bất chấp hiểm nguy, họ lại về sống với những cánh rừng trên núi đá của quê hương mình. Họ không thể sống mà thiếu rừng. Những ngày lang thang qua những bản làng của dân tộc Pu Péo, tôi nhận ra cách mà họ tôn trọng Mẹ thiên nhiên-tôn trọng cánh rừng già trên cao nguyên đá này phảng phất tinh thần của những cư dân xứ Bhutan mà tôi đã từng gặp. Đó là sự tôn trọng gần như sùng bái với thiên nhiên, nhờ vậy mà vào những nhà dân Pu Péo, thấy như mình “lạc trôi” về đâu thế kỷ trước, thuở trái đất chưa bị ô nhiễm, lòng người chưa ô trọc. Ghé nhà nào, bất cứ buổi nào, chỉ cần khách đến, chủ nhà đã lễ mễ bưng từ sau góc nhà ra cái chum nhỏ chứa rượu ngô. Phải cạn với nhau vài chén rồi hẵng nói tới công việc. Mà trên cao nguyên đá ấy, quanh năm sương giá se sắt, chén rượu mời nhau chính là cho nhau ấm lòng, ấm tình, rồi cứ thế mà trải lòng chia sẻ. Hóa ra khi sống chan hòa và lễ độ với thiên nhiên, con người không chỉ được sống xanh mà cả tươi trong từng những ý nghĩ. Khoan hòa mà nồng nhiệt.

Khi nghĩ về một Huế xanh, trong tôi bỗng hiện về những ngôi nhà vườn xanh mát. Đó không là khu vườn sum suê cây trái như phương Nam, cũng không thâm canh hoa lợi như đất Bắc, cây trái vườn Huế vừa đủ cho những đứa trẻ lưu lại ký ức tuổi thơ, hoa đủ thơm cho những ấm trà bên hiên vắng, dậu chè tàu hun hút để khi trở về ngôi nhà của mình bước qua cổng ngõ, bao toan lo bề bộn được để lại sau lưng. Huế đã từng xanh bình yên như thế, và giờ đây vẫn còn những mảnh vườn bốn mùa mưa nắng đi qua mái ngói nâu trầm rêu phong như thế, cần bảo tồn trước cơn lốc thời cuộc. Những năm sống ở Huế, mỗi lần đi qua các đường phố lớn, thảng hoặc vẫn còn hiện lên giữa náo động phố phường một nếp nhà, một cổng ngõ, một bóng xanh của Huế ngàn xưa, kiêu kỳ và thách thức những ầm ào hối hả. Tôi vẫn thường sững lại một chút, như tự chụp vào trí não mình một tấm phim kỷ niệm cùng nỗi lo toan mai rồi sẽ bặt dấu.

Cùng với những cao trào xanh và sạch mà người Huế đang làm cho Huế, sẽ giúp Huế tìm lại cái tâm thế của vườn xanh, sự thanh thản trong tiếng chim gù, vẻ an nhiên của những bông hoa ngày cũ, vì xét cho cùng, Huế vẫn luôn là thành phố không thể có phiên bản.

Xanh của Huế không chỉ là xanh của môi trường, của cỏ hoa cây lá, của bao mùa nắng mưa.

Niềm xanh ấy, luôn là nơi trú ngụ vĩnh hằng cho những tâm hồn Huế!

Bài, ảnh: Lê Đức Dục