Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng tặng quà cho học sinh Trường tiểu học A Đớt. Ảnh: Như Nghĩa

Trong chuyến đến xã A Đớt tìm hiểu thông tin để thực hiện một bài viết, tôi gặp thầy Nguyễn Ánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Đớt. Thấy tôi bất chợt co ro bởi mặc chiếc áo ấm không “đủ đô” vì không ngờ cái giá rét nơi núi rừng “cắt thịt” hơn, thầy Ánh trầm giọng kể, toàn trường hơn 220 học sinh thì có chừng 2/3 số học trò nghèo, khó khăn, thiếu áo ấm. Vừa chia sẻ thông tin này lên trang facebook cá nhân, tôi liền nhận được cuộc gọi của thiếu tá Nguyễn Thị Phượng (bạn thời đại học của tôi), hiện là Phó đội trưởng Đội Chính trị hậu cần Công an quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng). Bạn nói nhờ tôi kết nối giúp với nhà trường, bạn và các đồng đội sẽ đến chia sẻ, để các cháu học trò nghèo có áo ấm kịp trong những ngày rét.

Lập tức sau đó là “hành trình” của những cuộc điện thoại giữa Sơn Trà - Huế - A Lưới để bàn bạc về cỡ áo từ độ tuổi lớp 1 đến lớp 5, những món quà dành cho tuổi thơ và đặc biệt là cuộc giao lưu giữa các cô chú trong đoàn thiện nguyện với các cháu học trò. Được sự thống nhất của chỉ huy Công an quận Sơn Trà, sau hơn một tuần chuẩn bị, gần 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Công an phường Nại Hiên Đông; đội chính trị hậu cần; hội phụ nữ công an quận vượt chặng đường gần 200 cây số, đến với học sinh Trường tiểu học A Đớt.

Lúc đó 3 giờ chiều. Trong khi những gương mặt học trò đang chăm chú xuống trang vở, tiếng đọc bài vẳng ra từ lớp, thì cán bộ, chiến sĩ công an trong đoàn thiện nguyện nhanh chóng chuẩn bị “hậu trường”. Các bạn nói rằng, thường thực hiện những chuyến thiện nguyện đến vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của các tỉnh, rất hiểu sự thiếu thốn về vật chất, điều kiện vui chơi của trẻ em, nên mỗi chuyến đi, các bạn muốn mang theo, muốn được trao gửi thật nhiều yêu thương. Vậy nên ngoài 100 chiếc áo ấm mới, 150 áo ấm đã qua sử dụng, được giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng (số áo ấm này sẽ được để riêng, cháu nào có nhu cầu, sẽ nhận từ thầy cô giáo), các bạn chuẩn bị thú nhồi bông ngộ nghĩnh, chai thủy tinh đựng nước, sữa, bánh, kẹo, để tất cả học sinh trong trường, em nào cũng được chia sẻ niềm vui.

Học trò ùa ra sân sau tiếng trống. Khoảng sân trường quen thuộc đã trở thành sân khấu “sẻ chia yêu thương” trong những điệu nhạc tươi vui. “Đưa 2 cái chân nào, lắc 1 cái mông nào…”, “một đoàn tàu bé tí xíu, người đi đầu là chú lái tàu…”, là những “điều lệnh” ngộ nghĩnh khiến các em háo hức ngước về phía Thiếu úy Nguyễn Thị Hồng Hoa, Trung úy Mai Đăng Phúc, Nguyễn Thị Mai Phương… Các cô, chú trong màu áo quân phục, đang “mở ra” những nụ cười hết cỡ trên những gương mặt học trò, bằng cách “dẫn” các em vào những câu chuyện ý nghĩa. “5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng là…”, “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất…”, những câu hỏi đưa ra như vậy được các em náo nức hưởng ứng. Tiếng trả lời đồng thanh trong trẻo giữa sân trường khiến chiều nơi miền biên giới thật bình yên.

Nụ cười trên gương mặt những cán bộ, chiến sĩ công an đến từ quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng dường như hạnh phúc hơn bao giờ hết khi các cháu học trò nhỏ mặc luôn chiếc áo ấm vừa được tặng, tỏa ra trên những con đường về thôn bản. Chiều cuối đông chợt ấm áp lạ. Cách đây 2 năm, các bạn cũng đã đến tặng quà cho những hộ nghèo xã biên giới Hồng Vân (A Lưới); giao lưu cả buổi chiều và khiến bà con bật cười triền miên. Những nụ cười rạng rỡ năm ấy, tôi vẫn nhớ đến bây giờ.

Thiếu tá Nguyễn Thị Phượng nói cảm ơn tôi, vì đã là “cầu nối” để bạn và các đồng đội đến được với những con người, hoàn cảnh cần được sẻ chia. Nhưng với tôi, bạn là “cầu nối” để học trò, người dân miền biên giới huyện A Lưới thấy được, cảm được những tâm hồn ấm áp, tuyệt vời. Những người bạn đang mặc trên mình bộ quân phục của ngành công an, đang thực hiện 1 trong 5 lời thề danh dự của người Công an Nhân dân Việt Nam: “suốt đời tận tụy phục vụ Nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân”…

Quỳnh Anh