Dụ đỉnh, nơi có in khắc hình cây thông
Trồng thông - một mỹ tục
Việc trồng thông được ghi dấu từ năm Gia Long năm thứ 5 (1806), khi nhà vua bắt đầu cho xây dựng đàn Nam Giao. Nhưng đỉnh cao giá trị của việc trồng thông thời vua Nguyễn chưa phải ở chỗ vị Hoàng đế đầu triều đã cho trồng từ rất sớm ở đàn Nam Giao linh thiêng, mà ở chỗ các vị vua kế tiếp sau đó đã nâng nó lên thành một mỹ tục.
Khi viết về rừng thông Nam Giao, Linh mục Léopold Cadière, Chủ bút Bulletin des amis du vieux Hué (Tạp chí Những người bạn Cố đô Huế) đã lưu ý đến những cây thông được trồng ở Trai Cung – nơi vua chay tịnh, không phải những cây thông được vua Gia Long cho trồng đại trà phía bên ngoài. Mỗi lần trồng xong một cây, vua lại tự tay buộc các biển đồng. Trên tấm biển có ghi các dòng chữ ghi nhớ ngày tháng trồng. Sau đó, các vị quan của kinh đô cấp Tứ phẩm trở lên, các quan ở các tỉnh về để chuẩn bị tế lễ đều được ưu tiên trồng cây và có ghi biển kèm theo”.
Lý do gì thúc đẩy việc làm này của vua Minh Mạng? Linh mục Léopold Cadière đặt câu hỏi. Rồi ông lý giải: Tự tay trồng thông, vua Minh Mạng và các ông hoàng, các quan lại đã tạo ra một uy thế của vua trong việc bảo vệ rừng này được chu tất hơn. Các vinh dự ưu tiên được trồng của các vị quan lại trở thành một nghĩa vụ và như thế, vua Minh Mạng tin chắc sự tồn tại của rừng thông ở Nam Giao sẽ phát triển lên từng năm một và vị quan nào cũng muốn có ở chỗ linh thiêng ấy một cây có ghi tên tuổi của mình. Việc làm đó có thể thấy nhỏ nhặt, nhưng vua Minh Mạng cho thấy, những quan tâm của Ngài cùng với sự thận trọng để bảo đảm cho cây trồng sẽ là những chỉ dẫn quý báu cho các cơ quan nông, lâm nghiệp.
Thông trên Cửu đỉnh
Thời các vua Nguyễn, ngoài đàn Nam Giao, thông còn được trồng ở nhiều nơi tôn quý và thiêng liêng khác, như: núi Ngự Bình, sơn lăng, đình miếu, chùa tháp. Lệ làm thẻ bài bằng đồng treo lên gốc thông do đích thân vua, hoàng thân và các quan trồng có từ đời vua Minh Mạng, năm 1834. Về sau, qua các đời vua, kích cỡ và trọng lượng thẻ bài có ít nhiều thay đổi, ngoài thẻ đồng còn có những tấm thẻ bằng đá, nhưng chức năng ghi dấu chức vị người trồng thì vẫn được giữ nguyên.
Tại Thế Miếu, nhiều du khách đến đây đều dành thời gian ngắm “lão thông” 200 năm tuổi. Tương truyền, không biết cụ thể vào năm nào nhưng cây thông này đã được vua Minh Mạng cho trồng khi xây tòa Thế Tổ Miếu, thờ vua Gia Long và Hoàng hậu, sau này là nơi thờ các vị vua của triều Nguyễn. Lão thông trở thành một trong số ít nhân chứng sống của lịch sử sừng sững, âm thầm chứng kiến những đổi thay của thời cuộc.
“Lão thông” bên Thế Miếu-Đại Nội
Mạch thiêng và cốt cách Huế
Đặc biệt tôn trọng việc trồng cây nên các vua Nguyễn đã hình thành nên nhiều điển chế để trồng, chăm sóc và bảo vệ cây cối. Việc này trở thành nhu cầu thường trực, là nếp ứng xử đẹp, gắn liền từ trong phong tục dân gian cho đến điển chế nghiêm minh. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đang ngày càng làm tăng nguy cơ giảm thiểu cây xanh và không gian xanh của Huế. Việc quan trọng của Huế lúc này là phải giữ lại, bồi bổ, nuôi dưỡng và tái tạo những không gian xanh theo mạch nguồn truyền thống. Mạch nguồn ấy vừa là nét cổ kính của một Cố đô, vừa là sự hài hoà phù hợp với một thành phố di sản đặc trưng, xanh - sạch - đẹp hiện đại.
Theo TS. Trần Đình Hằng, Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, nên tạo những không gian xanh, trồng lại thông, tùng ở những núi đồi vốn được triều Nguyễn đặc biệt coi là trọng địa, nhất là núi Ngự Bình và đồi Long Thọ. “Từ thời nhà Nguyễn, đồi Long Thọ - chùa Thiên Mụ - điện Hòn Chén - đồi Vọng Cảnh đã được coi là trục phong thủy, linh thiêng của Huế. Trong thế giới quan truyền thống, đó là “thiên quan địa trục” (trục nối liền trời với đất). Chất xúc tác làm cho tính thiêng ấy thêm mạnh, làm tăng khả năng tiếp nhận năng lượng tự nhiên từ Trời – Đất là cây, đá, và loài cây độc đáo nhất biểu trưng cho tính thiêng ấy là thông. Huế phải giữ cho được trục thiêng đó. Những rừng thông đặc chủng sẽ tiếp tục gìn giữ linh khí với khát vọng duy trì sự thịnh vượng cho vùng đất này”, TS. Trần Đình Hằng nhắn gửi.
Cũng là những cây thông của Huế, nhưng từ câu ca dao: “Văn Miếu (Văn Thánh) trồng thông, Võ Miếu (Võ Thánh) trồng bàng/Ngó vô Xã Tắc, hai hàng mù u”, tác giả Lê Quang Thái lại có cách nhìn khác trong tập “Huế, chuyện mới tích xưa”. Ông bảo, nói “Văn Miếu trồng thông” là cách dùng hình tượng biểu cảm để bày tỏ nhận thức về một quan điểm giáo dục chuẩn mực và thâm hậu thời nhà Nguyễn. Ông dẫn điều này vì trong hơn bốn trăm năm trị vì đất phương Nam, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã chăm lo xây dựng mô hình nhà Quốc học, tiền thân của Quốc Tử Giám Phú Xuân, kế thừa tinh hoa của văn hóa Thăng Long để giáo hóa thần dân, coi trọng việc học hành, chăm lo rèn luyện và tu dưỡng nhân cách. Cây thông là loại cây cao quý, trưởng thượng trong trăm loài cây. Thân cây thông cổ thụ được dùng làm rường cột nhà cửa, biểu trưng cho “lương đống”, “nhân tài” của đất nước. Trồng cây, trồng người vì vậy mà trở thành kế sách của mọi gia đình, gia tộc, làng nước.
Không hẹn mà gặp, GS. TS. Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh lại mượn câu thơ: “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng…” và không quên lời nhắc nhớ: “Huế phải đem thông về lại Văn Thánh, về Thiên An, Ngự Bình… và đem cả “thông” về trong gia phong, nếp sống Huế. Di sản cây thông, ngoài giá trị cảnh quan còn là biểu trưng của lối sống, phong cách Huế và gợi đến văn hóa Phú Xuân của vùng đất này”.
Bài, ảnh: Đồng Văn