Một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn đang hướng đến chăn nuôi an toàn sinh học, cung cấp đa dạng nguồn thịt cho người dân
Chủ động hàng dự trữ tại chỗ
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Huế khẳng định, đến thời điểm này, Big C không thiếu thịt lợn, luôn đảm bảo phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài nguồn cung thu mua tại địa phương, trước đó, Central Group đã ký kết với các nhà phân phối lớn nhập khẩu thịt lợn đông lạnh đạt tiêu chuẩn từ các nước Mỹ, Canada, New Zealand... Thời gian cao điểm sắp tới, hệ thống siêu thị Big C sẽ sử dụng nguồn hàng này đưa ra thị trường, với chất lượng đảm bảo và luôn ổn định về giá. Hiện tại, giá thịt nhập khẩu vẫn đang thấp hơn giá thịt tươi từ 30-40 nghìn đồng/kg.
Đại diện Siêu thị Co.opMart Huế, VinMart cũng cho biết đã chủ động dự trữ nguồn hàng liên tục, đảm bảo cung ứng thịt lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau tết.
Qua tình hình tiêu thụ, nhiều khách hàng bắt đầu thay đổi thói quen tiêu dùng đối với mặt hàng thịt lợn. Trước đây, nhiều người chưa tin dùng thịt đông lạnh và chỉ tập trung mua thịt tươi sống tại các chợ, gây mất cân đối cung - cầu và tác động đến giá cả. Nhưng sau những đợt khan hàng và giá tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. So về chất lượng, mùi vị, sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu không hề khác biệt với thịt tươi; trong khi giá ổn định, hiện tại vẫn rẻ hơn 10-15% so với thịt lợn tươi. Vì thế, tại các siêu thị, sức mua mặt hàng thịt nhập khẩu đang có dấu hiệu tăng, góp phần cân đối, ổn định giá trên thị trường trong những ngày gần đây.
Ngoài nguồn cung hằng ngày từ hệ thống các siêu thị, các chợ truyền thống được lấy từ các cơ sở giết mổ gia súc, trên địa bàn hiện còn có nhiều nguồn cung ứng lớn cho thị trường nội địa từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi, chế biến. Tuy sản lượng có giảm so với mọi năm, nhưng hiện, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đã chuẩn bị sẵn 51.000 tấn thịt lợn và 9.600 tấn thịt gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Dù giá trên thị trường có biến động, song đơn vị vẫn áp dụng kinh doanh các sản phẩm của công ty như: thịt heo, thịt gà, trứng gà theo giá bình ổn tại các cửa hàng, siêu thị mini đóng trên địa bàn.
Các siêu thị kinh doanh song song thịt lợn tươi sống và nhập khẩu nên cơ bản đảm bảo nguồn cung, giá bình ổn
Ổn định số lượng, chất lượng và giá
Ông Phan Hùng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin, sau những giải pháp tích cực của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cùng chính quyền địa phương, tình hình cung ứng, giá cả thịt lợn trên thị trường đã hạ nhiệt, với mức giảm từ 10-20 nghìn đồng/kg so với khoảng 1 tháng trước.
Tại các chợ ở TP. Huế, mức giá đang dao động từ 130-140 nghìn đồng/kg; tại các chợ và kênh phân phối khác có giá dao động từ 120-160 nghìn đồng/kg. Thời điểm giá thịt lợn tăng cao, do chịu tác động nên giá mặt hàng thịt bò, gà có tăng nhẹ, song hiện đã ổn định trở lại.
Đến nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh có 138.000 con, giảm khoảng 30% so mọi năm. Bình quân lượng giết mổ mỗi ngày trên địa bàn khoảng 1.350 con (tương đương khoảng 100 tấn). Trong đó, khoảng 950 con tiêu thụ tại địa bàn, còn lại xuất đi các nơi khoảng 391 con. Ngoài ra, mỗi ngày thị trường địa phương nhập về 405 con. Như vậy, số nhập về và xuất đi tương đương nhau. Chứng tỏ mức độ cung - cầu đang giữ ổn định.
Theo ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng thời kỳ cao điểm có thể thu mua trên địa bàn khoảng 1.000 con lợn/ngày, như vậy còn thiếu khoảng 300 con (tương đương 16-17 tấn thịt lợn/ngày). Song đây là dự báo trong trường hợp tiêu dùng bình thường. Trong khi những ngày này, do người dân có xu hướng thay đổi cơ cấu tiêu dùng sang các loại thịt khác, cộng thêm nguồn cung ứng, dự trữ từ các kênh phân phối, bán lẻ dồi dào, nên khả năng không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, đội giá trong thời điểm giáp tết và sau tết.
Qua nắm tình hình từ các đơn vị, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện thịt lợn cung ứng trên thị trường tỉnh lấy từ các nguồn: tại địa phương, nhập từ ngoại tỉnh qua các đầu mối kinh doanh, giết mổ và nhập từ nước ngoài qua hệ thống siêu thị. Vì thế, để bình ổn thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh, chất lượng nguồn thịt sống và sản phẩm sơ chế, chế biến từ thịt, các đơn vị chức năng cần kiểm tra, kiểm soát chặt các chốt kiểm dịch phía Nam, Bắc của tỉnh, các đầu mối thu mua, giết mổ; kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi; tiếp tục tái đàn, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn thịt.
Ngoài chủ động, đảm bảo nguồn cung, để giúp người dân đón tết cổ truyền an toàn, ấm cúng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định chỉ đạo cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân tin tưởng sử dụng đồng thời sản phẩm thịt tươi sống và thịt nhập khẩu, cũng như các sản phẩm thịt động vật khác, tránh mất cân đối trong tiêu dùng và được hưởng lợi về giá bình ổn.
Bài, ảnh: Hoài Thương