Người bán hàng lên xe buýt chèo kéo khách ngay khi vừa rời khỏi bến

Đỗ đón, trả khách “vô tội vạ”

Sau gần một tuần đưa tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại vào hoạt độngvới số lượng 81 xe tiêu chuẩn K29 (gồm 38 xe của Đà Nẵng và 43 xe của Thừa Thiên Huế), đã góp phần giải quyết một lượng lớn khách đi lại giữa 2 địa phương. Tuy nhiên, tình trạng các phương tiện dừng, đỗ đón trả khách “vô tội vạ” trên đường cùng cung cách phục vụ trên một số chuyến xe đã gây nên tình trạng “bát nháo” giao thông nhiều điểm.

Tại bến xe khách phía Nam TP. Huế (Công ty CP Bến xe Huế), vào lúc 10 giờ 12 phút ngày 6/1, xe khách mang BKS 75B-018.10 (thuộc HTX Vận tải du lịch TP. Huế) xuất bến.

Vừa ra tới cổng bến, những người bán hàng đã “nhảy tót” lên xe chèo kéo khách. Xe trờ tới trước trạm xăng thì dừng hẳn để đón khách. Dừng chừng 5 phút nhưng không thấy lực lượng chức năng thuộc bến xe ra nhắc nhở, xe này tiếp tục chạy ra QLA rồi dừng ngay trước khu vực bến “vớt” thêm khách ngay gần biển báo cấm dừng, đỗ. Lúc này, nam tài xế ngồi trên xe, nữ nhân viên phục vụ xuống hẳn dưới đường chờ khách, bốc dỡ hàng.

Rời TP. Huế, đến tại KM 829+310 thuộc địa phận TX. Hương Thủy, xe này tiếp tục dừng thêm 15 phút nữa để chờ khách rồi tiếp tục hành trình. Như vậy, từ bến xe đến khu vực gần cầu vượt Thủy Dương, xe dừng, đỗ đón khách đến 3 lần trong khoảng 20 phút. Dù trên đoạn đường này không có bố trí các điểm dừng chờ xe buýt nhưng nhiều xe vẫn “vô tư” dừng, đỗ đón khách.

Ghi nhận của PV, dọc tuyến QL1A có 6 trạm dừng chân ở khu vực nội đô và 10 trạm dừng chân khu vực ngoại đô (chiều vào) nhưng hầu hết các phương tiện xe buýt đều “bỏ băng” trạm, dừng tùy ý nơi nào có khách. Hành khách đi từng chặng nhà xe trực tiếp thu tiền mặt, không bán vé như quy định.

Có mặt trên xe mang BKS 75B-018.10 chiều Huế - Đà Nẵng, chúng tôi thấy tài xế không đóng cửa xe (từ Truồi đến thị trấn Lăng Cô) và liên tục châm thuốc hút khi đang lái xe. Trong quá trình xe buýt này dừng đỗ tùy ý, nhiều phương tiện khác chạy trên QL1A có nguy cơ tai nạn giao thông do phải lấn làn để tránh.

Ở chiều ngược lại, xe buýt mang BKS 43B-027.75 dừng đón khách tại thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc). Một nữ hành khách lên xe liền được nhân viên phục vụ báo giá chặng Phú Lộc - Bến xe phía Nam TP. Huế 40 nghìn đồng và thu tiền mặt chứ không bán vé. “Chiều trong ra mắc hơn chiều ngoài vào. Ở đây ai đi cần vé thì đưa còn không thì thôi”, nam nhân viên phục vụ nhà xe nói.

Trong suốt hành trình, tài xế xe này nhiều lần sử dụng điện thoại, dùng khuỷu tay cố định vô lăng để lấy tiền thừa thối lại cho khách.

Sẽ kiểm tra xử lý

Ông Hồ Tăng Cường, Giám đốc HTX Vận tải du lịch TP. Huế ghi nhận phản ánh của PV về tình trạng các phương tiện xe buýt liền kề của đơn vị không dừng, đỗ đón khách đúng nơi quy định. Về việc nhân viên nhà xe không bán vé, theo ông Cường là sai quy định.

“Đối với vé toàn tuyến thì được Công ty CP Bến xe Huế bán ngay tại bến; riêng vé chặng, HTX đã cấp vé cho nhân viên bán cho khách rồi nên trong trường hợp hành khách lên xe không bán cho khách là không đúng quy định. HTX sẽ quán triệt, nhắc nhở nhân viên nhà xe và có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm”, ông Cường khẳng định.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP bến xe Huế  - đơn vị quản lý trực tiếp bến xe khách liên tỉnh phía Nam TP. Huế, cho rằng, đơn vị chỉ thực hiện chức năng quản lý trong khu vực bến, đảm bảo an toàn cho hành khách và phương tiện thông qua bến. Theo đó, tiến hành kiểm tra chặt chẽ các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện và người lái trước khi giải quyết đăng tài, bán vé, xếp khách và xuất bến và không làm thủ tục đăng tài đối với những phương tiện xe buýt không đảm bảo các giấy tờ theo quy định.

Ngoài ra, đơn vị cũng đang tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kịp thời tại bến đối với những trường hợp vi phạm các quy định về vận tải khách bằng xe buýt. Đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông ngoài bến, công ty chỉ là đơn vị phối hợp, để giải quyết tình trạng này, thời gian đến, đơn vị sẽ đề xuất, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, TTGT (Sở GTVT) nhằm bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên tuyến.

Theo ông Sơn, do mới đi vào hoạt động và đang trong quá trình hoàn thiện nên tuyến xe buýt mới này vẫn còn một số bất cập.

“Riêng đối với tình trạng các xe buýt liền kề dừng đỗ không đúng nơi quy định, thu tiền mặt, không bán vé cho khách công ty sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải kiểm tra và đơn vị cũng sẽ báo cáo lên Sở GTVT để có chế tài xử lý”, ông Sơn nói.

Giá vé toàn tuyến của tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại được quy định 70 nghìn đồng; đối với lượt đi từ Bến xe phía Nam - Cầu Hai 30 nghìn đồng, Bến xe phía Nam - Chân Mây 40 nghìn đồng, Bến xe phía Nam - Lăng Cô 50 nghìn đồng/hành khách/lượt; lượt về từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Lăng Cô 40 nghìn đồng, Bến xe Trung tâm Đà Nẵng - Cầu Hai 50 nghìn đồng, Lăng Cô-Bến xe phía Nam 50 nghìn đồng/hành khách/lượt.

Bài, ảnh: Hà Nguyên