Chiều bảng lảng rơi. Ảnh: Nguyễn Phong

Trên con đường khá dài, em có đôi lúc yên lặng. Có khi chỉ ậm ừ ba điều chi đó. Không biết chị của em có nghĩ răng không nữa. Thường trong mắt chị, cô em vẫn là người ít nói và khá lạnh lùng mà. Thôi kệ, dù sao trong gia đình, em cũng là người bị chết tiếng nớ. Những lần nghe rứa, em chỉ biết cười chứ răng chừ. Đôi khi ngồi nghe các chị bàn chuyện ni, chuyện nọ, phần vì em không hiểu, phần thì em thấy có bàn góp vô, cũng chẳng giải quyết được chi vì những điều đó không phải là mình, không thuộc về mình. Chỉ riêng những điều phải xử lý mỗi ngày thôi chừng như cũng làm đầu em đầy lấp. Nhiều khi ngồi ngẫm, em thấy mình giống ba, thường giấu suy nghĩ vào người. Cái chi vui thì kể. Chuyện mình buồn, nói ra chỉ làm người xung quanh mất vui.

Thiệt nghe, em thấy ca từ và âm hưởng nào của Trịnh, cũng y như là viết cho tuổi mình. Có hôm đi ngang đường, nghe “tóc em từng sợi nhỏ/rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” vọng ra từ bên đường mà thấy ngùi ngẫm cách chi. Lúc đó chiều đã xuống, em thì vừa xong ca trực muộn. Một mình nên tức tưởi ngấm rứa thôi. Rồi em thấy mình dại khi cho xe chạy chậm để nhấn một nút trên ca-bin, rồi gần như chết chìm bởi “gọi xuân hao gầy/gọi buồn ngất ngây”. Là em đã loay hoay trở lại với điều đó khi cho xe trôi chậm để tìm đường đến nơi có đêm nhạc “Tạ ơn”- không biết là tên của Khánh Ly, hay chỉ là ý tưởng của những người tổ chức. Huế giờ thi thoảng em cũng thấy người ta treo banner trên đường, giới thiệu đêm nhạc này đêm nhạc kia và đó cũng là lần đầu tiên, em tìm theo địa chỉ.

Không biết những người đến sớm, những người ngang tuổi, nhỏ hơn hay lớn hơn em vài độ mong chờ điều chi trong phòng trà chật kín người hôm đó ở cuối một con đường. Nhưng đó là sự chờ đợi thật khác khi mọi người yên ắng trong những trang phục đẹp và cả trang trọng nữa. Ở mé bên kia, trên hàng đầu, cách em mấy dãy ghế là vợ chồng của một bác lớn tuổi. Cách mà hai bác ngồi, thong dong mà nghiêm ngắn làm em cũng phải khép mình lại đôi chút. Thấy mình có phần không phải khi mang thói quen quan sát vào phòng nhạc. Nhưng em thích cái ấm áp, tình cảm rất Huế của hai bác nớ cách chi luôn. Có lẽ đó là điều mà em khó đạt tới. Không phải vì sự khác nhau về thế hệ, độ tuổi mà có lẽ, đó là những ký ức thật đẹp mà những tình khúc của Trịnh đã gắn kết họ, trong những trải nghiệm dù ngọt ngào hay xa xót thì cho đến lúc mà họ ngồi bên cạnh nhau, vẫn là những gì còn lại, một cách trọn vẹn và yên lành. Mà biết đâu chừng, những khúc tình ca ấy đã làm họ gần nhau hơn, thương nhau nhiều hơn và cần nhau nhiều hơn.

Em thấy mình cũng nao nức vỗ tay, khi cuối cùng thì Khánh Ly cũng bước lên từ phía cuối phòng trà, trong màu áo thu phai. Bà chừng như đã giấu xúc động trong giọng mình khàn ấm và giấu một chút xô dạt của cảm xúc khi cất những lời hát đầu tiên, và sau nữa. Nhưng em tin, trong câu chuyện được chia sẻ giữa những ca khúc của một người hát chuyên nghiệp, hôm đó Khánh Ly trở về, với rất nhiều xao xuyến. Xao xuyến khi bà nói “trong Huế có tôi và trong tôi có Huế…”

Em nhớ Khánh Ly đã nhắc lại đến mấy lần, sau những tràng vỗ tay ở cuối mỗi bài hát, rằng “tôi đã già rồi. Giọng hát của tôi không còn khoẻ nữa”. Nhưng đọc trong âm vực và cách mà bà cất lời, người ta sẽ nhận ra trong âm nhạc, có lẽ không có độ cho tuổi, khi ca từ vẫn được gieo bằng đam mê, đắm đuối ngay cả khi bà phải thở nhẹ để lấy hơi. Hôm nớ, em tin người Huế trong khán phòng đó đã nghe Khánh Ly hát bằng tâm thức của họ, với tất thảy yêu mến và trân trọng. Nhưng người tin không, lúc đó em nghe hát nhưng cứ nhìn một Khánh Ly khác, một Khánh Ly thuỳ mị và đa mang, một Khánh Ly phóng khoáng, như bà đã từng trên mấy tấm hình in trên poster, ngay trên chỗ ngồi của ban nhạc phía sau lưng bà. Em nghĩ về thời gian trong dòng chảy của nó. Nghĩ về đời người mà ai cũng sẽ trôi về bến. Nghĩ về những tình yêu bỏ lại sau những mùa xuân vời vợi mà thấy lòng mình nhói…

Người ta viết nhiều về nhạc Trịnh, nhưng mỗi lần nghe, em lại nghĩ ông lay động và đánh thức những cung bậc tình yêu ở mỗi người. Thấy ông ân cần vỗ về, an ủi về những điều đã mất, đã rời xa và thấy ông nhắc về những điều cần nhớ ngay cả khi mình đang có những điều gần như đủ đầy. Những cung bậc dìu dịu mà thấm. Những da diết gần gụi và những hạnh phúc đớn đau…

Người ta cũng viết nhiều lắm, về Khánh Ly. À mà hôm đó, bà nói với mọi người là bà còn hát những ca khúc của những người khác nữa nhưng “nhạc của ông Sơn vẫn là nhiều nhất”. Có lẽ cũng như em, người ta nghĩ về sự cộng hưởng đã làm nến dấu ấn của một ca sĩ, và ngược lại, ở một nhạc sĩ, dù sau này có bao nhiêu người khác, giọng ca khác cũng đã tạo nên một dấu ấn khác cho mình trong vài, hay nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Hôm đó, em cứ mường tượng hoài về những cánh vạc nhỏ nhoi mù lấp trong biển nhớ. Nghĩ về những điều vời vợi lớn hơn tình yêu và xót hơn tình yêu…

Em gõ những điều này vào ngày có nụ xuân xanh cành cũng sắp thênh thang rồi. Chỉ không biết vào ngày tuổi em, có ai bão bùng nhớ đôi chút nào không. Mà em cũng nói rứa thôi, chớ sông dài ngày rộng và lòng người thì phiêu diêu...

Trở đi trở lại trong em là một cánh buồm đang rời xa làm lênh đênh nhớ “từ lúc đưa em về/là biết xa nghìn trùng”. Nghe thương như những lúc gọi xuân vời vợi rứa đó người…

Hoàng Mai