Cả gia đình họa sĩ Nguyễn Đức Huy (Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế) đều đam mê nghệ thuật sơn mài
Nên duyên và trao truyền
Trong ngõ nhỏ trên đường Minh Mạng, ngôi nhà của đôi vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Lương Thị Ánh Tuyết là một tác phẩm nghệ thuật. Nằm giữa thiên nhiên với hàng tre đầu ngõ, với hồ nước, hoa lá, cỏ cây..., kiến trúc thô mộc của ngôi nhà càng thêm đặc biệt khi được trang trí bằng sơn mài.
Nhìn qua xưởng làm việc, không gian tràn ngập tranh sơn mài, từ tả thực đến trừu tượng và cả design. Những gam màu nóng, trầm ấm đặc trưng; những sắc độ màu biến ảo, sự huyễn hoặc của vàng, bạc hay nghệ thuật cẩn trứng tinh xảo thu hút người xem...
Gia đình họa sĩ Nguyễn Đức Huy có 3 thành viên và tất cả đều gắn bó với nghệ thuật sơn mài. Mỗi người một phong cách, họ đều tạo được dấu ấn riêng với sơn mài.
Theo đuổi nghệ thuật sơn mài không dễ, bởi loại hình nghệ thuật này đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ
Gắn bó với sơn mài trên 35 năm, họa sĩ Nguyễn Đức Huy am tường các kỹ thuật sơn mài để biến gam màu trầm vốn có của sơn ta thành cái thâm trầm mà không kém phần lộng lẫy bởi tuyệt kỹ từ vỏ trứng, son, sơn than, vàng, bạc. Cũng là những chủ đề gần gũi với đời sống: mây trời, non nước, tĩnh vật, phong cảnh, chân dung… nhưng tranh của ông mang tính khái quát, triết lý và biểu tượng. Nếu trước đây, người ta vẫn quan niệm sơn mài là phải phẳng lì, thì họa sĩ Nguyễn Đức Huy lại có thể thể hiện độ nhám, dày, lồi lõm, láng mịn trong cùng một tác phẩm.
Thường sáng tác về thiên nhiên, thiếu nữ, gia đình, con cái…, tranh của họa sĩ Lương Thị Ánh Tuyết bao giờ cũng nữ tính, không trừu tượng mà khơi gợi những tình cảm rất thật. Tác phẩm của chị còn đặc biệt với gam màu xanh, tím nhẹ nhàng - những gam màu ít thấy trong tranh sơn mài. Không chỉ vẽ tranh, chị còn làm design với mong muốn khám phá sơn mài ở cái gốc ban đầu của nó.
Cả hai vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Lương Thị Ánh Tuyết đều học và dạy chuyên ngành sơn mài ở Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế. Chung niềm đam mê, sơn mài cũng giúp họ nên duyên. Tình yêu sơn mài của họ được trao truyền cho cậu con trai duy nhất - họa sĩ Nguyễn Đức Phước. Sinh ra trong môi trường nghệ thuật, sơn mài thấm vào Phước từ khi còn thơ bé.
Tác phẩm trong triển lãm “Duyên bốn mùa” của Nguyễn Đức Phước
Lần đầu tiên ra mắt công chúng triển lãm cá nhân “Duyên bốn mùa” ở Viện Pháp tại Huế vào năm ngoái, họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Phước đã mang đến cho công chúng một xúc cảm khác biệt. Hơn 20 tác phẩm gồm những cái cây, chiếc gương soi, những bộ bàn ghế học sinh được trang trí ngộ nghĩnh không chỉ để thưởng thức, mà người xem có thể vuốt ve những thân cây xù xì, lắng nghe tiếng thời gian trôi đi...
Bàn, ghế được trang trí bằng sơn mài
Những tác phẩm ấy đã vượt được ranh giới nghệ thuật tạo hình, khơi gợi tính ứng dụng vốn có của sơn mài lâu nay đã bị lãng quên. Bằng cách kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng, Phước đã góp thêm cho sơn mài một cách nghĩ khác, khoác lên cho tranh sơn mài một chiếc áo sống động hơn, đó là tính ứng dụng, tương tác. Nguyễn Đức Phước chia sẻ: “Chất liệu nào cũng có cái hay riêng nhưng sơn mài là chất liệu của Việt Nam. Bằng cách cẩn trứng, khảm xà cừ, dán bạc, dán vàng…, sơn mài giúp người họa sĩ thể hiện được nhiều ý tưởng mà không bị trùng lặp”.
Đưa sơn mài ra thế giới
Từ niềm đam mê, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Đức Huy và Lương Thị Ánh Tuyết đã đưa sơn mài ra thế giới.
Xuất phát từ Festival Việt - Pháp 1992, họ đã có những hoạt động giới thiệu nghệ thuật sơn mài với bạn bè quốc tế. Sau đó, họ được mời sang Pháp để chia sẻ nghiên cứu về sơn mài. Hơn 20 năm qua, từ năm 1998, mỗi năm khoảng 3 tháng, hai vợ chồng họa sĩ Huy - Tuyết liên tục được mời sang giảng dạy về nghệ thuật Việt Nam, trong đó chủ yếu là nghệ thuật sơn mài tại các trường đại học và trung tâm mỹ thuật ở Pháp, Tây Ban Nha và Đan Mạch.
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy kể, ban đầu, người nước ngoài rất khó khăn khi tiếp cận với nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Đến khi làm được rồi họ lại rất quý chất liệu, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. “Điều thành công nhất là sơn mài làm thay đổi suy nghĩ của bạn bè quốc tế về nghệ thuật của Việt Nam. Họ thấy sơn mài rất thiên nhiên, hài hòa và đẹp. Nhiều người bạn nước ngoài đã tiếp tục làm cho sơn mài “sống” khi hứng thú theo đuổi sơn mài bằng nhiều cách”, họa sĩ Đức Huy bộc bạch.
Ngoài các trường đại học và trung tâm mỹ thuật chuyên nghiệp, nhiều trường phổ thông ở Pháp cũng rất thích sơn mài đã mời vợ chồng họa sĩ Huy - Tuyết đến dạy nghệ thuật tương tác. Sau khóa học, học sinh ở Pháp đã design những cái chén, hũ, hộp dán trứng, hoặc biết làm tác phẩm bằng vỏ trứng. Nhiều người yêu thích, đăng ký học sơn mài đến 5-6 khóa. Điều này giúp họ tin tưởng với loại hình nghệ thuật đang theo đuổi, vì nó luôn mới và có sức hút với thế giới.
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy còn có “tham vọng” đưa sơn mài đến gần với mọi người. Trong sáng tạo của họ, tác phẩm sơn mài không chỉ để treo lên tường mà còn đưa sơn mài trở về với cội nguồn, với những cái bình, cái chén, đôi đũa, cái kệ, thậm chí những món đồ rất nhỏ như hộp bút, cán viết… Mỗi chiếc bàn, chiếc ghế đều có thể biến thành tác phẩm. Kể cả các hình thức đương đại: sắp đặt, trình diễn, nội thất đều có bóng dáng của sơn mài. Họ còn làm sơn mài trên kính, điêu khắc, gốm, sứ...
Họa sĩ Nguyễn Đức Huy cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp cận với các đơn vị giáo dục qua workshop, chia sẻ, nói chuyện và dạy cho học sinh làm những tác phẩm ứng dụng để sơn mài đi vào đời sống. Khi tôi đi dạy ở nước ngoài, người nước ngoài xem sơn mài không chỉ ở tầng nghệ thuật, tức là tranh treo trên tường mà họ rất chú ý vận dụng vào đời sống. Nhiều nhà thiết kế ở nước ngoài rất mê sơn mài, bởi nó mới, độc, lạ và phù hợp với tâm lý thẩm mỹ tiêu dùng”.
Bài, ảnh: Trang Hiền