Sắp tàn thu mà Huế vẫn xanh,
Sông Hương ngọc bích khói tơ mành
Ngự Bình lá lục bao triền núi,
Thiên địa thu vàng Huế vẫn xanh.
(Từ ngõ Huế xanh)
Từ trên cao nhìn xuống, Huế là một biển xanh.
Từ những những làng quê bao quanh và phố phường lân cận, Huế là một thế giới nhà vườn. Đất rộng thì trồng cây trái bốn mùa. Đất hẹp thì trồng những vồng rau cải hay cây gia vị. Không đất thì vui với những chậu cây kiểng mùa nào giống ấy.
Thành phố cây xanh. Ảnh: Thanh Toàn
Bởi vậy, có một nhà văn đặt tên cho Huế là “Thành phố mùa thu xanh” và văn hoá Huế là văn hoá nhà vườn.
Những người có dịp thăm viếng những thành phố của quê hương Việt Nam vẫn thường so sánh Huế với nhiều nơi khác. Trong vòng vài chục năm trở lại, đã có rất nhiều thành phố tái sinh hay biến mất vì những công trình xây dựng và thiết kế quy mô đã làm cho những nét cơ bản nhất của nơi đó hoàn toàn bị thay thế bởi cái mới.
So với nhiều tỉnh thành khác, Huế vẫn còn... rất Huế!
Ngày xưa, tiêu chuẩn đánh giá cho một một vùng xanh hay một “thành phố xanh” (green city) theo tiêu chuẩn là vùng cây xanh nơi đó chiếm được bao nhiêu tổng diện tích toàn vùng. Như Singapore được đánh giá là thành phố xanh nhất thế giới, có diện tích cây xanh của vườn cây, công viên, đường phố và khắp nơi cộng lại đạt tỷ số 47%.
Gần đây, có nhiều cuộc thi cho các cháu thiếu nhi Việt Nam vẽ và viết về đề tài “thành phố xanh trong tương lai”. Thông qua những bức tranh vẽ và những bài viết gửi dự thi của các cháu thì hình ảnh một thành phố xanh tương lai vẫn không vượt ra ngoài tầm nhìn của các cháu qua hình ảnh xanh mướt, mượt mà của cây cối, công viên và sông núi.
Khái niệm “xanh” trong hình ảnh một thành phố xanh tương lai thường hiện ra trong trí tưởng của mọi người, nhất là trong đầu óc liên tưởng và so sánh của tuổi trẻ, là một thế giới cây xanh. Nhưng với thế giới ngày nay, quy ước để đánh giá “thành phố xanh” được dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau.
Trong vòng mười năm trở lại, đã có nhiều hội nghị đề xuất và thảo luận về những tiêu chuẩn căn bản nhất cho một thành phố xanh. Tuy có quá nhiều tiêu chuẩn đưa ra để đạt được danh hiệu “Thành phố xanh”. Nhưng những tiêu chuẩn đạt được đa số đồng ý vẫn không còn cách xa nhau lắm. Tóm lược những nội dung cho một thành phố xanh là:
Quy mô và kế hoạch xây dựng thành phố cần phải có sự hoạch định và tính toán chính xác, tổng quát, minh bạch, phù hợp với sự phát triển lâu dài.
Nguồn nước và thiết bị sử dụng tiết kiệm nước cho người, gia súc và cây cối phải hiệu quả và có khả năng cung ứng cho mọi người.
Kế hoạch trồng cây cảnh, cây thực phẩm và cây công nghiệp phải có sự hài hoà và hợp lý.
Có sự vận động rộng rãi và tận dụng tối đa khả năng thu góp các vật liệu tái chế biến như giấy, lon nhôm, chai...
Luật lệ và biện pháp giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường được ứng dụng có hiệu quả như thế nào.
Trong các tiêu chuẩn nêu trên thì cây xanh, nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm được nhấn mạnh nhiều nhất.
Với các tiêu chuẩn “xanh” của thời đại được nhấn mạnh thì Huế rất có khả năng trở thành một thành phố xanh tiêu biểu cho cả nước và cộng đồng xanh thế giới, bởi Huế còn quá nhiều - lắm nơi như nguyên vẹn - tình trạng sông nước, đất đai và con người cho nỗ lực xây dựng một quê hương xanh điển hình của toàn đất nước.
Nếu trong vòng vài ba thập niên trở lại, một thành phố tương lai được xây dựng rộng và lớn gấp ba tới năm lần bây giờ thì Huế sẽ có thế: Tây dựa Trường Sơn, Đông kề Nam Hải, Nam tiếp Lăng Cô - Hải Vân, Bắc giáp phá Tam Giang và cửa ngõ Bắc Nam tuyến đường xuyên Việt.
Năm ngoái, sau chuyến đi mùa xuân ghé thăm khá nhiều nơi trong nước và ngoài nước, tôi đã viết trong bài “Mùa Tết”, rằng: “Có dịp thăm viếng các tỉnh, thành nổi tiếng về thiên nhiên và du lịch của Việt Nam và các nước láng giềng, khi về Huế, mình đã ghi trong nhật ký: “Dẫu đi khắp xứ mình hay nơi đâu mà khi về tới Huế, vẫn thấy Huế đẹp với dáng vẻ trầm mặc và tươi mát như cô công chúa ngủ trong rừng trên thảm cỏ xanh. Nhưng Huế không thể ngủ yên lâu hơn nữa giữa lòng thế hệ 4-5G chuyển biến nhanh đến chóng mặt như hôm nay. Huế vẫn còn là Huế nhưng Huế cần phải vươn lên với tốc độ phát triển nhanh hơn, cao rộng hơn và cũng cần xanh hơn trước nạn ô nhiễm môi sinh đang làm ưu tư thế giới loài người...”
Quả thật như vậy, chỉ riêng hai dòng sông chính của Huế là sông Hương, sông Bồ và các nhánh từ thượng nguồn Trường Sơn về Biển Đông cũng đã là một nguồn núi sông kỳ tú cho biết bao công trình xây dựng. Nhiều thế kỷ trước, thành phố Paris của Pháp chỉ cần một dòng sông Seine, London của Anh chỉ cần một dòng sông Thames... nếu có được sự đầu tư và kế hoạch phát triển hài hòa, lành mạnh của chính phủ và tư nhân thì cũng được thời cơ và điều kiện trở thành những trung tâm văn hoá và du lịch hàng đầu của nhân loại.
Thế giới ngày nay đang đứng trước khả năng của sự biến đổi khí hậu địa cầu nóng lên. Các quốc gia đang đưa ra những kế sách khả thi nhằm giảm thiểu tình trạng địa cầu bị hâm nóng lên. Những thành phố xám đang tỉnh dậy và vươn lên theo hướng thành phố xanh.
Huế cũng như nhiều địa phương ở nước ta, bao năm qua, chưa đến mức ô nhiễm của những thành phố xám nên có sự thuận lợi là vừa phát triển xây dựng, vừa có khả năng đi vào hướng thành phố xanh một cách tự nhiên và đầy ý thức.
Hy vọng thành phố Huế sẽ xanh tự nhiên và miên viễn bởi bảo tồn được truyền thống và ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật chứ không phải “xanh” vì bị nhuộm hay chỉ là lớp màu trang trí bề mặt.
Chờ đón một thành phố Huế xanh điển hình tương lai!
Trần Kiêm Đoàn