Các dự án du lịch nghỉ dưỡng ở Khu Kinh tế Chân Mây-  Lăng Cô góp phần phát triển kinh tế theo hướng xanh. Ảnh: Nguyễn Phong

“Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”, câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đặt ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Quốc hội ngày 31/10/2019 khiến chúng ta phải trăn trở. Kinh tế phát triển nhưng chất lượng cuộc sống của con người không được nâng cao là cái giá quá đắt khi phát triển kinh tế-xã hội không bền vững, khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.

Điều này ai cũng có thể cảm nhận được và đang phải đối mặt hằng ngày. Từ bữa ăn trong mỗi gia đình “ăn gì cũng sợ” đến những chuyện thở, uống, đi lại cũng đều nguy hiểm thì thật bất an. Chuyện này đâu chỉ xảy ra ở một địa phương mà đang trở thành vấn nạn của quốc gia và mang tính toàn cầu.

Đi tìm nguyên nhân không khó. Trên bình diện rộng, ở tầm vĩ mô đó là do chúng ta mải chạy theo phát triển kinh tế để đáp ứng nhu cầu vật chất của con người mà ít quan tâm đến vấn đề môi trường. Đây là chuyện chung của thế giới khi nhiều năm qua phát triển nền kinh tế nâu (Brown Economy), dựa trên các nguồn tài nguyên hóa thạch đã bộc bộ phát thải khí nhà kính, khủng hoảng biến đổi khí hậu, không đảm bảo an ninh năng lượng dẫn đến chiến tranh và xung đột, không đảm bảo an ninh lương thực…

Tuy nhiên, tùy theo nhận thức và điều kiện phát triển, mỗi quốc gia có sự ứng xử khác nhau nên mức độ tác động xấu đến môi trường cũng khác nhau. Với các quốc gia phát triển, từ vài thập niên trước đã có sự chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Đây được xem là một mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu…

Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Chính phủ phê duyệt từ năm 2012 và Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh được phê duyệt năm 2014. Theo đó, tăng trưởng xanh được xác định là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến động khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Với Thừa Thiên Huế, năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về tăng tưởng xanh này. Mục tiêu đặt ra là xây dựng Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; có lối sống thân thiện với môi trường.

Mục tiêu phát triển này được tỉnh kiên định trong phát triển kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Điều này thể hiện trên nhiều mặt, từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch phát triển đô thị, quản lý, sử dụng tài nguyên đến việc phát triển năng lượng tái tạo, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu…

Rõ nhất là cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực khi chọn dịch vụ-du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ưu tiên phát triển dịch vụ-du lịch đồng nghĩa với việc giảm thiểu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Trong phát triển công nghiệp, quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế được thực hiện xuyên suốt. Việc tỉnh từ chối cấp phép đầu tư cho các nhà máy nhiệt điện ở Chân Mây, Phong Chương hay các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao là quyết định sáng suốt và không hề dễ dàng. Bởi chỉ cần một vài dự án lớn, nguồn thu ngân sách của tỉnh sẽ tăng vọt, gấp rưỡi, gấp đôi. Nhưng cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường thì khó đo đếm được khi xuất hiện những dòng sông chết, những dòng khói đen khiến hàng nghìn, hàng chục nghìn người dân phải gánh chịu mỗi ngày…

Bản thân các doanh nghiệp cũng nhận thức được điều này khi có sự chuyển hướng đầu tư vào phát triển các ngành ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ sản xuất sạch hơn-một trong những tiêu chí của nền kinh tế xanh, như dự án Nhà máy điện mặt trời TTC ở Phong Điền là một trong những dự án tiên phong đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện tỉnh quy hoạch dành gần 600 ha để đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời tại Phong Điền và Phú Lộc. Khi những dự án năng lượng xanh được quan tâm đầu tư sẽ góp phần phát triển bền vững kinh tế địa phương.

Đến nay, từ “xanh” được gắn với hầu hết các hoạt động kinh tế của tỉnh như nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, đô thị xanh, du lịch xanh, môi trường xanh… Đồng hành trong quá trình “xanh” của tỉnh, không chỉ có sự tham gia của các tổ chức quốc tế mà trở thành phong trào được người dân hưởng ứng trong thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”- “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh- sạch- đẹp”.

Hiện kinh tế của Thừa Thiên Huế chưa hẳn là phát triển so với nhiều địa phương khác, nhưng Huế xanh là điều ít nơi giữ được. Huế có thể đi chậm nhưng sẽ giữ được vốn quý nhiều người ao ước, khiến không ít địa phương phát triển nóng thời gian qua phải hối tiếc.

Kinh tế xanh được Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Kinh tế xanh là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Hoàng Minh