Lan Vy Nguyễn mặc các mẫu thời trang chị thiết kế từ zèng trong tất các các buổi tiếp khách và tham gia sự kiện

Đồ tái chế lên hàng nghệ thuật

Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty TNHH Coats Phong Phú (gọi tắt là Coats Phong Phú) mới đây, Giám đốc William Harold Watson III hào hứng giới thiệu hai vị khách mời Lan Vy Nguyễn và Lê Thị Châu Quỳnh đến từ F4F – một doanh nghiệp xã hội lên sân khấu. Ông bảo, đây là hai người có công trong việc đưa một khối lượng lớn chỉ thừa (chỉ chất lượng tốt sau khi thực hiện hoàn tất đơn hàng và chỉ làm mẫu cho đơn hàng mới) trở thành những tấm vải dệt zèng nghệ thuật.

Để có được sự kết nối này, chị Lan Vy Nguyễn mất 4 năm theo đuổi từ việc chọn bảng màu, lên mẫu, cho đến thuyết phục đối tác và cả sự hỗ trợ của một tổ chức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Từ hai gam màu truyền thống đen và đỏ, nay, những người dệt zèng ở A Lưới có thêm nguyên liệu và mẫu mã mới cung cấp cho F4F thiết kế hàng thời trang.

Coats Phong Phú hỗ trợ cho các HTX dệt zèng ở A Lưới hơn 600kg chỉ hàng tháng cho các HTX dệt zèng nằm trong dự án. Chị Hồ Thị Tha, một thành viên của HTX dệt zèng xã Nhâm (A Lưới) cho hay: “Mỗi tháng mình dệt được 2-3 tấm zèng khổ 0,7m x 3m. Nguyên liệu mới cho ra sản phẩm đẹp mắt, mặc rất mát. Nhiều người địa phương còn mua zèng làm khăn choàng, may áo dài, áo ghi lê”.

Mỗi mẫu thời trang được phối từ zèng và các nguyên liệu thủ công khác của F4F trên thị trường châu Âu có giá vài trăm USD. Thoạt nhìn những bức ảnh mẫu giám đốc sáng tạo Victoria Ho đưa vào trong luận văn tiến sĩ ở Anh, hầu hết bất ngờ khi nghe đó là zèng do người Tà Ôi ở A Lưới làm nên. Chị Lan Vy Nguyễn cho hay, từ những mẫu thiết kế của chị và Victoria Ho, zèng đã có thân phận khác và được các vị khách cá tính nước ngoài lựa chọn.

Bên cạnh đó, F4F hình thành nên một dòng nữ trang từ các linh kiện máy tính bỏ đi. Đó là vòng đeo tay, dây chuyền, hoa tai… với mẫu mã lạ mắt. Các thiết kế của F4F được các nghệ nhân trong cả nước thực hiện rất tinh xảo và quy trình chọn nguyên liệu tái chế được giao cho một người giám sát nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm. “Một số mẫu được đặt làm quà tặng cho khách hàng VIP như hãng xe Lexus tại Việt Nam, Công ty Coats Phong Phú, các nhãn hàng khác ở London, Mỹ, Canada…”, chị Lan Vy Nguyễn tiết lộ.

Người mẫu với thời trang từ zèng và nữ trang từ kim loại quý tái chế

Xanh từ suy nghĩ đến quy trình

“Thời trang luôn thay đổi nhưng bền bỉ và đạo đức hơn cả chính là thời trang xanh”, Lan Vy Nguyễn giải thích với tôi về sự lựa chọn của F4F. Đó dường như là cánh cửa hẹp khi người quản lý nhãn hàng tìm được nghệ nhân giỏi, phải giám sát quy trình, giá thành sản phẩm cao hơn… Tuy kén khách hàng nhưng thời trang của F4F vẫn có sức sống bền bỉ mấy năm qua và mỗi vị khách sau khi sở hữu những món đồ này đều giới thiệu thêm khách hàng là minh tinh, doanh nhân tên tuổi.

Theo Th.S Phạm Thị Thủy Hằng, giảng viên chuyên ngành Thiết kế thời trang Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Trường ĐH Nghệ thuật, Đại học Huế, ngoài tính thẩm mỹ ra, dòng thời trang này đã vận dụng được nguyên tắc 3R: (reduce, reuse, recycle - giảm sử dụng, tái sử dụng, sử dụng sản phẩm tái chế). Chính điều này đã nâng giá trị của vải zèng lên một tầm cao mới, cũng như các sản phẩm thủ công khác được làm từ kim loại quý trong linh kiện máy tính, điện thoại bỏ đi trở thành món đồ trang sức tuyệt đẹp, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của các khách hàng trong và ngoài nước.

Đạo đức trong thời trang cũng là tiêu chí khiến người sáng tạo luôn suy nghĩ, đắn đo. Nghĩa là phải tính toán sao cho khi cắt may tấm vải zèng không được chạm vào hoa văn bằng cườm. “Đó là ngôn ngữ cuộc sống được nghệ nhân gửi gắm bên khung dệt nên không thể cắt ngang câu chuyện họ muốn kể”! Khách hàng muốn tấm zèng khổ lớn hơn hiện tại! “Điều này là không thể vì người dệt căng khổ vải bằng chân và làm hoàn toàn bằng thủ công”… Những cuộc đối thoại bằng tiếng Việt pha tiếng Anh của chị Lan Vy với khách hàng, với người thợ gia công… khiến tôi hiểu rằng, giữ đúng tôn chỉ mục đích của dòng thời trang này không hề đơn giản.

Zèng dệt từ chỉ của Coats Phong Phú

Lê Thị Châu Quỳnh, đồng sáng lập viên và điều hành F4F tại Huế kể, rất nhiều đối tác đến tìm hiểu và muốn phối hợp làm việc nhưng họ bảo chúng tôi yêu cầu khắt khe quá! “Với F4F, nghệ nhân là người có tiếng nói cao nhất. Nếu chiều theo ý thiết kế, một sản phẩm phải chỉnh sửa, can thiệp nhiều lần gây lãng phí thì đó đâu còn “xanh” nữa! Giám đốc sáng tạo Victoria Ho ban đầu cũng nguyên tắc lắm nhưng giờ cô ấy đã thấy tầm quan trọng của người nghệ nhân. Câu chuyện này được cô ấy đưa vào luận văn tiến sĩ sắp tới”, chị Châu Quỳnh cho hay.

Người Việt có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, còn người châu Âu thì bảo: “Một vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mới thực sự có sức hút”. Thời trang của F4F cũng hàm chứa bên trong bao câu chuyện thú vị mà khi nghe kể, có đối tác thốt lên: “Ôi, thật là tuyệt vời”! Có lẽ vì vậy mà F4F luôn có các khách hàng đặc biệt lan tỏa thương hiệu và biết đến một vùng đất ở Việt Nam, nơi phát sinh một dòng thời trang xanh đón đầu xu hướng tương lai.

“Tôi đã đến nhiều quốc gia và ở đâu, người ta cũng muốn chia sẻ cách F4F giúp giữ nghề của người dân tộc thiểu số, phát triển zèng, tôn vinh nghệ nhân. Sắp tới tại Mỹ, họ muốn tôi trao đổi nhằm tham khảo phương pháp bảo tồn văn hóa dân tộc Navajo ở bang Arizona. Điều này khiến tôi tự hào vì Việt Nam cũng có những thứ hay ho, mới mẻ để bạn bè học hỏi. Mục tiêu của tôi trong thời gian tới là đưa zèng vào bảo tàng nghệ thuật Victoria ‘s Albert (London) sau giày rồng và nghệ thuật thêu Huế trên chất liệu Lãnh mỹ A”, Lan Vy Nguyễn.

Bài: Tuệ Ninh

Ảnh: Phương Thảo - Victoria Ho