Ngành du lịch ba địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tham gia quảng bá hình ảnh chung tại một hội chợ quốc tế
Thiếu chiều sâu
Mối liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam xây dựng đã hơn 10 năm và luôn được đánh giá là tiêu biểu nhất trong các mô hình liên kết phát triển du lịch của cả nước. Với tốc độ phát triển cả ngành du lịch như hiện nay, nếu mỗi một địa phương phát triển đơn lẻ sẽ rất dễ đứng ngoài “cuộc chơi” chung, giảm sút khả năng cạnh tranh.
Tại cuộc họp đánh giá liên kết du lịch giữa 3 địa phương trong năm 2019, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (trưởng nhóm năm 2019) cho rằng, những năm qua, nhất là trong năm 2019, mối liên kết trong phát triển du lịch của ba địa phương tiếp tục được khẳng định, tuy nhiên, sự liên kết này chủ yếu đang dừng lại ở khâu xúc tiến, quảng bá, phối hợp tham gia các hội chợ du lịch. Những hợp tác mang tính liên kết, có chiều sâu bằng những sản phẩm, tour tuyến, hỗ trợ nhau trong khai thác nguồn khách dù có, nhưng chưa được thường xuyên và cụ thể.
Về sản phẩm du lịch, các địa phương vẫn còn những trùng lặp khi xây dựng, nhiều sản phẩm còn cạnh tranh lẫn nhau hơn là hỗ trợ, bổ sung để thu hút và giữ chân du khách. Theo các doanh nghiệp du lịch, sản phẩm đang được khai thác chủ yếu có sự liên kết giữa ba địa phương là “Con đường di sản miền Trung” đã quá quen thuộc và gần hơn là tour “Đường mòn sinh thái” theo kết quả hỗ trợ phát triển của du lịch có trách nhiệm EU, song lượng khách vẫn chưa được nhiều.
Ngành du lịch các địa phương ký kết hợp tác trong năm 2020
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, rõ ràng, sự liên kết cần được đánh giá và có giải pháp để hướng đến những hiệu quả tích cực hơn nữa. Thương hiệu “ba địa phương - một điểm đến” đã trở nên khá quen thuộc với du khách, nhưng để cả ba địa phương cùng hướng về mục tiêu chung, lợi ích phải được sẻ chia. Điều quan trọng là, các sản phẩm phải có sự liên kết, hỗ trợ để cùng khai thác, kết nối tốt hơn.
Theo các chuyên gia, để có sự chia sẻ một cách sòng phẳng và đạt được các lợi ích như nhau trong liên kết sẽ rất khó, vì mỗi địa phương sẽ có một thế mạnh riêng, lợi thế khác nhau và vị trí về mức độ quan trọng để thu hút khách cũng khác nhau. Không nên áp dụng tất cả các sản phẩm để liên kết mà cần có sự chọn lọc một vài tour chung, sau đó đẩy mạnh khai thác.
Kết nối
Từ thực tế được chỉ ra ở trên, lãnh đạo ngành du lịch 3 địa phương Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam khẳng định, trong thời gian đến, liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới sẽ được tập trung thực hiện; phối hợp tốt hơn trong việc xây dựng hợp lý về thời gian và nội dung các lễ hội, các sự kiện quan trọng giữa các địa phương nhằm tránh trùng lặp.
Một điểm khác biệt là trong thời gian đến, mối liên kết phát triển sẽ mở rộng thành 5 địa phương, khi có sự tham gia của Hà Nội và Quảng Bình. Thêm thành viên, bắt buộc sự phối hợp giữa các địa phương về xây dựng sản phẩm du lịch đòi hỏi tốt hơn, cần phải căn cứ trên thế mạnh và đặc thù của từng địa phương và kết nối chuỗi các sản phẩm du lịch, như du lịch cộng đồng, du lịch di sản, du lịch biển đảo...
Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng, Quảng Bình xác định tham gia vào các liên kết sẽ càng tăng cơ hội cho du lịch Quảng Bình phát triển. Quảng Bình đang có thế mạnh về du lịch thiên nhiên, hang động, nhưng để thu hút nhiều khách hơn và có nguồn khách ổn định bắt buộc phải liên kết với du lịch văn hóa, du lịch biển để được hỗ trợ…
Cũng theo ông Hồ An Phong, để du lịch miền Trung thêm phần đa dạng, hấp dẫn và tăng thêm thương hiệu, sự liên kết này có thể mở rộng từ Quảng Bình đến Phú Yên, nhằm tăng thời gian khai thác các tour tuyến, phù hợp với thời gian thị thực của khách khi đến với Việt Nam và quan trọng hơn là tăng khả năng cạnh tranh với du lịch trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, để hợp tác thêm hiệu quả, 5 địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các địa phương liên kết; hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước về các lĩnh vực. Xây dựng chính sách, phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên và lưu trú du lịch.
Sự phân vai giữa các địa phương cần rõ ràng hơn, vai trò của doanh nghiệp và các hiệp hội cũng cần được nâng cao hơn. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch của 5 địa phương trao đổi, giao lưu, hợp tác đầu tư kinh doanh với các đối tác trong nước và quốc tế.
Tại diễn đàn du lịch miền Trung – Tây Nguyên trong năm 2019, TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hạ tầng giao thông để kết nối điểm đến các địa phương là mấu chốt trong các mối liên kết phát triển. Các địa phương miền Trung cần có những hợp tác để có giải pháp về đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông.
Bài, ảnh: Đức Quang