Chuyện xảy ra cách đây 3 năm, sau khi lo ma chay cho cha xong H. nhận được tờ di chúc từ luật sư cho biết, ba cô đã để lại toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của ông là nửa căn nhà và vườn rộng hơn 500m2 ở thành phố cho một mình H., dù gia đình có đến 5 người con. Họ hàng nội, ngoại và cả hàng xóm láng giềng nghe tin, 10 người thì đến 8 người cho rằng, ông ngoại bọn nhỏ xử lý như thế là đúng. Bởi, ai cũng biết dù nhà đông con, nhưng nhiều năm trước, mẹ bị tai biến nằm liệt giường, sống đời sống thực vật nhưng các con dù ở gần hay ở xa đều làm ngơ.

Buồn thì buồn thật, nhưng H. xác định dù cha mẹ là cha mẹ chung, nhưng việc báo hiếu cứ xem mình là con một. Thế là, nhờ có sự hỗ trợ của chồng và con gái, cô hết lòng chăm sóc mẹ chu toàn, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ và chế độ ăn uống đầy đủ, phù hợp với người bệnh. Nhiều lần chị gái từ nước ngoài về, mấy hôm không thấy chị chủ động chăm sóc mẹ, ba cô nhắc chị: “Sao con không vào thăm mẹ, chẳng đút được cho mẹ bữa cháo thì cũng xoa tay xoa chân cho mẹ con vui”. Chị trả lời nhanh hơn cô suy nghĩ: “Có nó làm rồi, bày đặt làm chi”. Chị trả lời và không một lần nhìn vào mắt ba để hiểu cảm xúc của ba khiến H. đành im lặng trong xót xa.

Thế rồi, không ngờ ba H. lại ra đi trước mẹ cô sau một lần tai biến ở tuổi 85. Bản di chúc có chữ ký và con dấu của một văn phòng luật sư có tiếng ở Huế, kèm theo là một giấy chứng nhận sức khỏe của bác sĩ xác nhận di chúc được thành lập khi ông đủ điều kiện về sức khỏe và tinh thần minh mẫn. Dù vậy, các anh chị của cô đã không chấp nhận. Họ làm đơn gửi tòa án, yêu cầu xác minh có đúng là di chúc là thật hay do H. làm giả; cùng với đó là hàng loạt lý do để yêu cầu tòa phải hủy di chúc và tài sản của cha phải được chia đều cho các con của ông.

Là người thắng cuộc, nhưng H. đã tìm tôi để tâm sự, nước mắt rưng rưng: “Nhận được di chúc cũng bất ngờ, hầu tòa cũng ngoài ý muốn. Chỉ ước được cùng các anh chị chăm sóc ba mẹ, dù tài sản chia năm xẻ bảy có ít nhưng mà vui. Giờ ra đường gặp anh chị lại phải làm ngơ. Đau lòng cũng chẳng biết làm sao!!!”.

Có lẽ, sẽ có người đưa ra giả thiết, nếu H. muốn giữ lại tình cảm ruột thịt thì tại sao không từ chối quyền thừa kế. Nhưng cũng có lẽ không riêng tôi cảm thông được cho nỗi buồn của H. và đồng tình với cách hành xử của ba cô. Bởi, đạo làm con phải xem trọng chữ hiếu trước khi đòi hỏi quyền lợi.

ĐĂNG VIỆT