Nói không với bia rượu khi tham gia giao thông là cách bảo vệ mình và xã hội (Ảnh minh họa). Ảnh: Tư liệu

Hôm nay là ngày thứ 9 kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (NĐ 100) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có các quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông đi vào cuộc sống. Đây cũng là quy định có tác động nhiều nhất đến đời sống và hành vi ứng xử của người dân. Gần 2.700 trường hợp bị vi phạm, trong đó có nhiều trường hợp bị xử phạt lên tới 30 đến 35 triệu đồng trên cả nước thực sự đã làm cho nhiều người từ e dè đã trở nên cân nhắc và thận trọng hơn.

Nhìn một cách tích cực, NĐ 100 đã làm cho đời sống thanh bình hơn, khi mà những ẩn họa tai nạn giao thông từ tác động của chất cồn bắt đầu vơi vớt. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số người bị tai nạn giao thông trong hai ngày đầu năm 2020 giảm xuống dưới mức bình thường. Theo VOV, đây thực sự là một kết quả rất đáng kinh ngạc. Từ kinh ngạc này, rõ ràng đã được chỉ ra trong bối cảnh cứ đến kỳ nghỉ lễ - không chỉ ở Việt Nam - tai nạn giao thông đều được đặt ở mức báo động.

Hơn 3 triệu người chết mỗi năm do bia rượu (trong đó nam giới chiếm 75%). 21% trong số này tử vong bởi rối loạn tiêu hóa và 19% vì bệnh tim mạch. Các trường hợp còn lại do mắc bệnh truyền nhiễm, ung thư, rối loạn tâm thần và các vấn đề khác. Lý do phổ biến nhất dẫn đến tử vong sau khi sử dụng bia rượu là chấn thương, chiếm 28%. Đây là những con số được CNN dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 80.000 người tử vong vì bia rượu trong một năm là con số mà chúng tôi có được khi tìm những thông tin liên quan ở Việt Nam. Đấy là chưa kể hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan đến rượu, bia…

Không có mức uống rượu an toàn và tác dụng của rượu rất nhỏ so với tổn hại mà nó gây ra là nghiên cứu đã được công bố của một nhóm bác sĩ của Viện Đánh giá và Nghiên cứu Y tế Đại học Washington (Mỹ). Nghiên cứu này cũng cho thấy, nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe tăng cao một cách nhanh chóng khi uống nhiều rượu hơn.

Không phải là những người thích/hay uống rượu bia không biết đến những thông tin này. Tuy nhiên, những điều đó dường như đã bị bỏ qua trong cuộc uống, sau những cái tặc lưỡi, cả nể; vài lời kích hay gièm pha của anh em bạn bè. Có lẽ cũng chưa ai có thể nói rằng, mình là người uống bia/rượu thông thái.

Không ai có thể đứng ngoài vòng pháp luật. Theo đó, việc thực thi pháp luật sẽ điều chỉnh hành vi và thói quen ở mỗi người. Việc thực hiện và chế tài ngay các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khi tham gia giao thông của Nghị định 100 là điều được nhiều người đồng thuận, ủng hộ.

Trong một góc nhìn khác, NĐ 100 chính là giới hạn đương nhiên để mỗi người dân thể hiện ứng xử của mình trong cuộc sống. Nhưng cũng cần phải thấy rằng, giới hạn khó vượt qua nhất, không chỉ ở người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt quá bao nhiêu miligam/100 mililít máu hoặc bao nhiêu miligam/1 lít khí thở theo quy định mà là ở giới hạn ở chính họ.

Đó mới là tính nhân văn lâu bền và sâu sắc nhất được hướng tới thông qua nghị định.

Minh Hà