Sức mạnh của nhà nước là từ dân. Song qua bộ luật này cũng cho thấy, sức mạnh của Nhà nước quan trọng còn từ luật và thực thi pháp luật. Luật nghiêm, thực thi nghiêm sẽ điều chỉnh hành vi của xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Có lẽ mọi nhà nước đều phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền là vì vậy.

Cách đây chừng chục năm, khi một nhà máy bia trên địa bàn tỉnh công bố sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia một năm, tôi có viết một bài báo với nhan đề: “Dân mình uống bia ghê thiệt”. Lục lại bài báo lại thì thấy, nếu lấy sản lượng bia sản xuất ra, trừ xuất khẩu và bán ra ngoại tỉnh, chia cho bình quân dân số trong tỉnh thì mỗi người dân Thừa Thiên Huế từ bé đến già tiêu thụ khoảng 50 lít bia mỗi năm. Xét ở một góc độ khác, nếu lấy số thuế nộp ngân sách năm 2019 là khỏang 2.000 tỷ đồng, chia cho bình quân dân số trên địa bàn tỉnh thì mỗi người dân đóng góp khoảng 2 triệu đồng tiền thuế qua bia (tất nhiên là có người dân tỉnh khác tiêu thụ nhưng con số này không cao lắm).

Những con số thường nói lên nhiều điều. Vì là con số cụ thể cho nên chúng ta dễ dàng nhận thấy. Song có những điều chúng ta khó thấy được đó là những tác hại, nhiều khi không đo đếm được. Ví dụ nó tác động như thế nào đến văn hóa; tác động như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng; chẳng những người tiêu dùng trực tiếp mà xã hội bị ảnh hưởng như thế nào. Thậm chí là nó ảnh hưởng đến sức sáng tạo và kinh tế ra sao (một người say bia rượu – chẳng hạn, thì ngày hôm sau khó có thể đưa lại năng suất lao động cao được (so sánh với chính bản thân người đó)…

Những nhà làm luật có lẽ đã tính toán hết những thiệt hơn của việc sản xuất, và sử dụng bia rượu, nên mới “quyết tâm” ban hành một bộ luật như vậy.

Vấn đề cần hiểu ở đây sự cần thiết của luật.

Chúng ta đã đi quá chậm so với xu hướng chung của thế giới. Thế giới rất ít nước mà người dân dám sử dụng bia rượu xong rồi lái xe. Nếu họ có uống bia rượu thì họ di chuyển bằng những phương tiện công cộng hoặc là thuê. Ở mình, ngay người nhân công làm thuê với ngày công thấp vẫn “chiều chiều lại nhớ chiều chiều”. Là vì bia rượu rẻ. Vì rẻ cho nên đã “ru ngủ” người dân dẫn đến một thói quen sử dụng bia rượu. Rượu bia là chất gây nghiện cho nên khó khuyên bảo mà thành. Giờ phải sử dụng sức mạnh của luật. Người dân sợ luật thì không chóng thì chầy phải thay đổi thói quen. Hy vọng điều này.

Ở Việt Nam, đã liên quan đến hội hè là liên quan đến bia rượu. Từ cưới hỏi, giỗ chạp, hội nghị, gặp mặt cuối năm, cúng xóm… thậm chí là Ngày hội đoàn kết khu dân cư. Biết bao nhiêu bia rượu được sử dụng trong một năm vào các dịp này. Nó tồn tại lâu dân thành một thói quen “văn hóa”. Đến nỗi ai không theo là không được. Giờ đã có luật, chả ai trách ai điều gì nếu tổ chức tiệc tùng mà không bia rượu hoặc rất hạn chế. Có thể nói, nó thay đổi một thói quen nếu không có luật thì khó thay đổi – một thói quen hình thành chỉ chừng vài mươi năm nay khi kinh tế phát triển. Việc này, theo tôi mới là điều đáng mừng nhất.

Lê Phương