Du nhập vào Huế gần 1 thế kỷ, bi sắt là môn thể thao được người dân Cố đô đón nhận khá nồng nhiệt bởi đây là môn thể thao đơn giản, đầu tư không quá tốn kém, ai cũng có thể chơi và có thể tranh tài mọi lúc, mọi nơi. Và đến thời điểm hiện tại, chỉ cần dạo ngang qua sân Hàm Nghi, công viên bên bờ sông Hương, đường Minh Mạng, khu vực Cầu Kho và ở Hương Trà, Hương Thủy… sẽ thấy, người chơi bi sắt khá đông. Không chỉ vậy, từ 2007, ngành thể thao đã đầu tư xây dựng sân bi sắt đạt chuẩn (trên đường Hà Huy Tập).
Nếu đầu tư đúng hướng, bi sắt Huế sẽ vươn tầm khu vực.Ảnh: Võ Nhân |
Phong trào phát triển mạnh, cơ sở vật chất có, nhưng từ khi có sân tập và cho đến lúc cỏ mọc đầy, chưa bao giờ nghe tên tuyển bi sắt Thừa Thiên Huế xuất hiện trong các giải đấu hàng năm.
Thời còn Sở TDTT, giám đốc đương nhiệm khi ấy là ông Ngô Văn Trân có phương án phát triển môn thể thao này. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã hòm hòm thì cũng là lúc các ngành văn hóa, thể thao và du lịch sát nhập khiến những ấp ủ của ông Trân chững lại.
“Năm 2007, trong một lần sang Lào, thấy bi sắt ở nước bạn rất phát triển và nó phù hợp với điều kiện của người Huế nên tôi quyết định đưa bi sắt trở thành một môn thể thao phong trào “trọng điểm”. Nói trọng điểm bởi lẽ, ngoại trừ một số tỉnh như Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau… thì ở Việt Nam, hiếm tỉnh, thành đầu tư môn bi sắt, còn miền Trung thì hoàn toàn không. Việt Nam ít nơi làm, khu vực Đông Nam Á ít người chơi trong khi Huế lại là nơi có phong trào bi sắt từ khá lâu, nếu làm đúng cách, chắc chắn bi sắt Huế sẽ có huy chương tại SEA Games” - ông Trân quả quyết.
Quay trở lại với câu chuyện sẽ đem bi sắt Huế thi đấu tại đại hội thể thao các nước tiểu vùng sông Mê Kông của ông Lê Xuân Bình và tiếp nữa là có mặt tại ĐH TDTT toàn quốc 2018, đây quả là một tín hiệu vui với những người yêu bộ môn này. Bên cạnh đang rất thuận lợi khi có phong trào phát triển, cơ sở vật chất đạt chuẩn thì bi sắt cũng là môn nằm trong quy hoạch phát triển thể thao phong trào giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến 2020 của UBND tỉnh đã được HĐND tỉnh thông qua. Điều này cũng có nghĩa, bi sắt Huế được “danh chính ngôn thuận” cũng như góp mặt tại sân chơi quốc gia, khu vực không quá xa vời.
Để bi sắt phát triển và vươn tầm theo hướng chuyên nghiệp sau một thời gian chững lại, ngành TDTT nên nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các giải đấu cấp thành phố, tiến tới cấp tỉnh để người yêu môn thể thao không phân biệt hạng cân, tuổi tác có dịp thi thố, trỗ tài. Đó cũng là cơ sở để tập hợp những VĐV xuất sắc thành một đội cũng như hướng đến việc mời HLV hoặc cử cán bộ ngành thể thao đi học những khóa huấn luyện để truyền đạt lại kỹ thuật, kinh nghiệm cho VĐV Huế khi bước ra đấu trường đỉnh cao.