Cheo cá giã kiệu ngon “nhức răng”

Mình vẫn nhớ như in cảm giác ấm áp khi ngồi nhìn bạn nướng cá. Bếp lửa giữa nhà đỏ rực. Cá suối nướng trên bếp than kêu xèo xèo. Mùi cá nướng thơm phức quanh quẩn trong nhà. Trời A Lưới hôm đó se se lạnh. Qua ô cửa nhỏ, có thể thấy những dãy núi xa xa chìm trong sương trắng. Mùi cây cỏ, mùi bùn đất bốc lên từ trận mưa hôm trước như hòa lẫn trong mùi cá nướng thơm nức, ngọt lịm. Bạn vừa nướng cá vừa giải thích, món cheo cá là món ăn đặc trưng của người đồng bào ở A Lưới. Để làm cheo phải chuẩn bị nguyên liệu đầy đủ, kỹ càng. Cá phải là loại cá suối ngon nhất vẫn còn tươi roi rói. Kiệu thì được trồng trên rẫy. Ớt, tiêu, củ riềng đều phải hái trên rừng mới ngon. Bạn nói ớt rừng, tiêu rừng, riềng rừng có vị rất thơm, tuy cay nhưng lại không gắt như loại trồng ở nhà. Cũng nhờ đó mà tạo nên hương vị đặc trưng riêng của món ăn.

Cá sau khi làm sạch thì nướng cho chín khô. Cá phải nướng trên bếp củi mới ngon. Khi nướng cá phải ngồi canh “sát rạt”, không được để cá cháy. Nướng đến khi xương con cá giòn rụm thì mới “đạt chuẩn” để làm cheo.

Tiếp đến là chuẩn bị gia vị cho món cheo. Một ít củ kiệu rửa sạch rồi nướng qua cho mềm mềm. Kiệu dùng cả củ lẫn lá mới ngon. Cho một ít hạt tiêu rừng, ớt chỉ thiên nhỏ của người đồng bào, thêm miếng riềng rừng đã gọt sạch vào cối, thêm chút muối hạt và bột ngọt. Sau khi cá đã chín tới thì cho vào cối gia vị đã chuẩn bị sẵn trộn đều lên rồi giã nát. Giã đến khi xương cá quyện vào thịt rồi hòa quyện cùng với các loại gia vị với nhau là được. Cối dùng để giã cá phải là cối gỗ của người đồng bào. Khi giã cá, mùi gỗ thơm như lẫn trong từng thớ cá càng làm tăng hương vị của món ăn.

Món cheo cá tuy là món ăn bình thường của người đồng bào, nhưng khi chế biến lại vừa công phu vừa mất thời gian. Nếu ăn thường ngày thì dùng cá bình thường, nguyên liệu vài thứ. Còn dịp đặc biệt thì chế biến kỳ công hơn, nguyên liệu cũng đầy đủ hơn.

Món cheo thành công phải vừa đẹp mắt, thơm lừng nơi đầu mũi và đặc biệt ngon miệng. Cá suối được giã nhỏ ngọt lịm, vị ớt cay cay đầu lưỡi, thơm  thơm mùi riềng, thoang thoảng hương tiêu. Món cheo sau khi chế biến phải được ăn ngay, nếu để lâu, món ăn sẽ không còn giữ được hương vị nguyên bản. Mùa này, A Lưới lạnh nhiều. Bữa cơm chỉ cần một ít cheo cá giã kiệu ăn cùng với chén cơm nóng hổi, thiệt đúng là ngon quên đường về.

Bài, ảnh: LINH CHI