Sau khi khởi công, hàng loạt các dự án có vốn đầu tư lớn tại các KCN như Phong Điền, Phú Bài, La Sơn… vẫn “án binh bất động”.
Khởi công rồi để đó...
Ngày 25-9-2009, KCN Phú Bài đón nhận dự án xây dựng hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn 3 do Tập đoàn Ace vina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án quy mô lớn nhằm tạo động lực để phát triển KCN Phú Bài, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư. Với diện tích 118,5 ha, dự án sẽ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến tham gia sản xuất kinh doanh. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sau 3 năm khởi công, song đã 5 năm trôi qua nhưng đến nay, dự án vẫn “án binh bất động” và hàng chục ha đất thu hồi của dân đang bỏ trống. Dự án của Công ty CP cơ khí ô tô Thống Nhất khởi công từ năm 2010, song do thời hạn chuyển cơ sở sản xuất từ địa bàn TP Huế về KCN còn đến 5 năm nên DN vẫn “treo” đất; hai dự án hạ tầng KCN giai đoạn III và IV triển khai quá chậm so với kế hoạch ban đầu.
Dự án Tổ hợp pin năng lượng mặt trời sau 2 năm khởi công là tấm bảng hiệu và bức tường thành xây dở
|
Tháng 6-2010, dự án đầu tư hạ tầng khu C- KCN Phong Điền do Công ty Trách nhiệm hữu hạn C&N Vina Huế - Hàn Quốc làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng trên diện tích 110 ha với tổng vốn đầu tư chiếm 368 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động vào tháng 9-2011 với các hạng mục như hạ tầng KCN, hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, hệ thống xử lý nước thải và các hạng mục liên quan. Thế nhưng, sau hơn 4 năm khởi động, đến nay DN chỉ mới xây dựng cổng chào, diện tích đất còn lại đang trống trơ làm nơi chăn thả trâu bò.
Tại các KCN trên địa bàn tỉnh, bên cạnh nhiều dự án sản xuất kinh doanh hoạt động hiệu quả, giải quyết hàng ngàn lao động và đóng góp ngân sách cho tỉnh, hiện vẫn còn các dự án “treo” và chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của KCN. Tại KCN Phong Điền, nhiều dự án sau khi cấp phép đầu tư được chính quyền địa phương giao đất nhưng không triển khai như Dự án Sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Bảo Toàn A cấp giấy phép từ năm 2010, Nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng của Công ty TNHH MTV Nanosili cấp phép từ năm 2008, dự án hạ tầng khu C do Công ty TNHH C&N Vina Huế - Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Một trong những dự án được kỳ vọng nhất đó là Tổ hợp nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech có tổng vốn 300 triệu USD. Song, sau 2 năm khởi công, đến nay DN chỉ mới xây dựng chục mét tường rào để… chiếm đất, còn lại là bãi đất hoang!
Dân khổ vì dự án treo
Chúng tôi đến KCN Phong Điền và dừng chân bên mỏ cát thạch anh quý hiếm. Trước mắt là hàng ngàn ha cát trắng đang được các DN đứng tên. Tại dự án tổ hợp pin mặt trời là cảnh tượng trống hoang với tấm bảng tôn rách nát được dựng lên cạnh bên bức tường rào đang xây dựng dang dở. Cách đó chừng 2km, dự án hạ tầng Khu C không một bóng người, chỉ trống trơ chiếc cổng chào và hàng chục ha đất trống. Gần đó, 600ha vùng nguyên liệu cát bàn giao cho các nhà đầu tư là Công ty CP Bảo Toàn A, Nanosili và Viết Phương bỏ trống, tạo nên cảnh tượng hoang tàn, nhếch nhác và bức xúc trong dân.
Không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động chung tại các KCN, nhiều dự án chậm triển khai còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất. Điển hình, sau khi UBND tỉnh cấp phép đầu tư cho các DN, UBND huyện Phong Điền thu hồi 600 ha đất cát của người dân để giao đất cho các DN dẫn đến nhiều ha rừng bị thu hoạch non và các diện tích trồng hoa màu phải thu hoạch gấp để giao đất. “Sau hơn 3 năm giao đất cho DN, đến nay nhà đầu tư vẫn chưa triển khai dự án, trong khi người dân thiếu đất sản xuất nhưng không thể canh tác trên đất đã quy hoạch”, ông Nguyễn Văn An trú tại xã Phong Hòa bức xúc.
Ông Lê Thành Bắc, Trưởng phòng Công thương huyện Phong Điền cho biết: “Phong Điền là địa phương có trữ lượng cát nội đồng lớn trên 3.000ha, đây là nguồn nguyên liệu quý hiếm phục vụ sản xuất các sản phẩm từ cát nhằm khai thác tiềm năng và phát triển ngành công nghiệp huyện nhà. Song, đến nay nhiều dự án chiếm đất và không triển khai, trong khi dân thiếu đất trồng rừng và sản xuất hoa màu. Chúng tôi kiến nghị các ban ngành nên đôn đốc các dự án triển khai đúng tiến độ nhằm tránh lãng phí đất đai, đồng thời, tạo sự sôi động cho KCN để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.”
Đối với dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời do Công ty CP Đầu tư chuyển giao Worldtech liên doanh, hợp tác với Tập đoàn Global Sphere (UAE) làm chủ đầu tư không chỉ triển khai chậm mà còn gây thất vọng cho dân. Tại lễ khởi công, DN hỗ trợ cho người dân địa phương bằng cách trao bảng tượng trưng 500 triệu đồng cho Quỹ Nạn nhân da cam, Quỹ Vì người nghèo và Hội Khuyến học cho UBMTTQVN huyện Phong Điền và xã Phong Hòa, sau đó sẽ chuyển tiền theo cam kết. Song, do dự án chậm triển khai nên đến nay, DN vẫn chưa chuyển tiền cho địa phương và hàng trăm hộ nghèo và nạn nhân da cam vẫn đang ngóng chờ đợi. “Sau khi nhận số tiền tượng trưng của DN chúng tôi rất phấn khởi và lên kế hoạch hỗ trợ cho hộ nghèo và các nạn nhân da cam trên địa bàn huyện. Nhưng cả hai năm nay không nhận tin tức cũng như tiền của DN chuyển về. Qua nhiều lần liên hệ với BQL các KCN tỉnh và chỉ nhận câu trả lời là do dự án khó khăn về tài chính nên chủ đầu tư chưa có tiền và chúng tôi chỉ biết ngồi chờ”, ông Hoàng Hải, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Phong Điền nói.
(còn nữa)