Tặng thưởng cho các tác giả đạt giải. Ảnh: THX

15 công trình, tác phẩm đều tập trung thể hiện các bình diện đa dạng, phong phú của con người và hiện thực với cái nhìn nhân văn, triết lý sâu sắc, lấp lánh lời giải đáp về những vấn đề nhân sinh - thế sự trước mắt và vĩnh hằng của cuộc sống và của chính nghệ thuật một cách thời sự, hiện đại và trách nhiệm.

Hai tác phẩm của Hội Mỹ thuật với hai chủ đề và hai phong cách thể hiện khác nhau, nhưng tạo được sự cộng hưởng về ý nghĩa xã hội và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Tác phẩm Giấy tiền vàng bạc (chất liệu sơn dầu) của tác giả trẻ Võ Thành Thân đã thể hiện nét tâm linh, mang đặc trưng Huế qua mô hình không gian ba chiều (3D), một loại hình nghệ thuật hiện đại, rất phổ biến trong các lĩnh vực đời sống. Còn tác phẩm Bão (composite - vật liệu tổng hợp) của Nguyễn Văn Thọ đã gây bất ngờ cho người xem bằng cái nhìn gián cách qua gương mặt và dáng người đăm chiêu trong không gian - thời gian mờ xám và lạnh lẽo.

Lần này, Hội Nghệ sĩ múa góp 2 vở diễn đặc sắc và sinh động thông qua nghệ thuật vũ đạo tổng hợp đặc sắc: Chiến sĩ áo trắng của Khánh Hiệp và Hoa trong bão lửa của Quang Sáng. Vở Chiến sĩ áo trắng làm hiện lên cả thế giới tinh thần của con người trong lao động, đề cao tình quân y thời chiến tranh gian khổ mà cao đẹp của những tấm lòng “lương y như từ mẫu”.

Tác phẩm ảnh màu “Bảo trì đường sắt trong hang động”. Ảnh: THANH TOÀN

Hội Âm nhạc, được Hội đồng nghệ thuật bình chọn 2 tác phẩm với 2 thể loại khác nhau. Giao hưởng thơ (Poème Symphonique) Lời mẹ ru của Lê Quang Vũ. Đây còn gọi là giao hưởng một chương, sáng tác với hình thức 3 đoạn phức. Chất liệu âm nhạc và chủ đề dựa trên cơ sở âm nhạc dân tộc cổ truyền Hò ru con ở Huế, theo hướng dân tộc hóa đưa vào khí nhạc phương Tây, tạo thành giai điệu chậm buồn, êm ái, gắn liền với không gian ngôi nhà tranh và những khu vườn cây xanh tĩnh mịch vẳng lên tiếng tao nôi nhịp nhàng vỗ về giấc ngủ bình yên cho em bé.

Hội Nghệ sĩ sân khấu chọn và hy vọng đúng vào trình độ đạo diễn của Hoàng Hà và La Thanh Hùng qua vở ca kịch Những người mẹ của Nguyễn Xuân Đức và vở tuồng Đường đến tuần lễ vàng của Nguyễn Phước Hải Trung để tham gia dự giải vì tính chất đột phá và đổi mới tư tưởng của tác giả và đạo diễn. Những người mẹ mang giá trị nhân văn sâu sắc, phản ánh tấm lòng những người mẹ Lào và Thái Lan trong kháng chiến chống Pháp gian khổ đã tận tình cưu mang, nuôi dưỡng người chiến sĩ Việt Nam mất trí nhớ để sau đó, người chiến sĩ hồi phục nhân tính.

Vở tuồng Đường đến tuần lễ vàng của Nguyễn Phước Hải Trung đem lại cho người xem sự nhận thức bất ngờ theo tầm đón nhận nhân văn và đạo đức mới. Đó là từ thành công của Cách mạng Tháng Tám dẫn đến thành công của “Tuần lễ Vàng” năm 1945, qua đó, lịch sử Việt Nam đã chứng minh thuyết phục về sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cách mạng và khối đại đoàn kết dân tộc trong thực tiễn.

Hội Văn nghệ dân gian giới thiệu 3 công trình tham gia bình chọn: Tìm hiểu văn hóa dân gian dân tộc Tà Ôi của Trần Nguyễn Khánh Phong, Tìm hiểu về truyện thơ dân gian Việt Nam của Triều Nguyên và công trình bộ ba Làng văn vật Thừa Thiên Huế của nhiều tác giả do Trần Đại Vinh chủ biên.

Qua hai công trình của Trần Nguyễn Khánh Phong và Triều Nguyên, chứng tỏ các tác giả là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có thao tác khoa học và tư duy khoa học vững chắc. Điều quan trọng hơn, đó chính là tài năng, tâm huyết và công sức của họ đối với con người và quê hương Thừa Thiên Huế.

Năm nay, Hội Nhiếp ảnh được bình chọn 2 tác phẩm có giá trị. Tác giả trẻ Nông Thanh Toàn với tác phẩm ảnh màu Bảo trì đường sắt trong hang động thể hiện cận cảnh bảo trì từ điểm nhìn chính diện để thấy hiện thực, hình ảnh và nỗi niềm thầm lặng của những công nhân trong cuộc bảo trì đường sắt bất kể nắng mưa, hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên nhiên. Tác phẩm đạt Huy chương bạc ở Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXVI năm 2019. Kế đến là tác phẩm trắng đen Mưa Huế 3 của Hồ Ngọc Sơn. Tác phẩm đạt Huy chương đồng ở Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXVI năm 2019.

Hội nhà văn năm nay đề xuất, giới thiệu 2 tác phẩm tham dự. Một tiểu thuyết và một thơ. Tác phẩm Phấn hoa của Phạm Ngọc Túy xứng đáng là tác giả đại diện cho thế hệ 6X viết tiểu thuyết ở Huế để nhận giải.

Thi tập Không nơi nao là chốn tôi của Đỗ Văn Khoái là kết tinh tình cảm và nghệ thuật của tác giả sau một thời gian dài im lặng và suy ngẫm.

Trong lúc văn hóa đọc văn hóa nghe nhìn có vẻ giảm sút trước cơ chế thị trường, nhưng thành tựu mà các văn nghệ sĩ đạt được - qua kết quả xét tặng thưởng lần này - chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng để thể hiện thành hình tượng, thành nội dung nghệ thuật đầy trách nhiệm, khát khao và nhân ái với cuộc sống.

Hồ Thế Hà