Xây dựng cầm chừng
Theo quy định của Chính phủ, các dự án đã cấp phép đầu tư tại các KCN nếu quá 24 tháng không triển khai sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư, đồng thời buộc chủ đầu tư phải nộp các khoản thuế đất theo quy định. Trong đó, nếu đến thời hạn mà nhà đầu tư có xây dựng một số hạng mục công trình thì không thể thu hồi mà vẫn để DN tiếp tục triển khai dự án. Vì vậy, lâu nay nhiều DN tìm cách “lách luật” bằng cách cứ đến gần thời điểm thu hồi giấy phép là đôn đốc xây dựng một số hạng mục công trình để đối phó và tiếp tục… giữ đất! Do đó, một số dự án như đầu tư hạ tầng KCN Phú Bài giai đoạn III và giai đoạn IV, dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại KCN Phong Điền, dự án xây dựng hạ tầng Khu C KCN Phong Điền, dự án sản xuất thủy tinh, thức ăn chăn nuôi… mặc dù quá thời hạn triển khai theo cam kết nhưng vẫn không thể thu hồi giấy phép đầu tư vì các chủ đầu tư tìm cách đầu tư một số hạng mục nhỏ để… chiếm đất.
Dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng Khu C- KCN Phong Điền sau sau 4 năm khởi công giờ chỉ mới hoàn thiện chiếc cổng chào
|
Trước thực trạng này, BQL các KCN tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị thu hồi hai dự án không triển khai theo đăng ký. Dự án thứ nhất là nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Bảo Toàn A, cấp phép từ tháng 2-2010 với tổng vốn đầu tư 385 tỷ đồng tại KCN Phong Điền, dự kiến hoàn thành vào quý IV-2013. Mặc dù đã 2 lần gia hạn tiến độ và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, song đến nay DN này vẫn không triển khai dự án, gây lãng phí quỹ đất và bức xúc trong dân. Dự án tiếp theo là nhà máy sản xuất thủy tinh lỏng của Công ty TNHH MTV Nanosili tại Khu B - KCN Phong Điền. Dự án có quy mô 6,3 ha, tổng vốn đăng ký 36 tỷ đồng, khởi công từ quý IV- 2008 và dự kiến hoàn thành vào quý II-2010. Do năng lực tài chính, DN có công văn xin UBND tỉnh gia hạn tiến độ và cam kết sẽ khởi công vào tháng 1-2014, hoàn thành vào cuối năm 2014, song đến nay vẫn chưa khởi động.
Thông tin liên quan: >> Bài 1: “Treo” vô thời hạn |
Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết: “Để tránh tình trạng dự án treo diễn ra ở nhiều KCN như thời gian qua, sắp tới BQL tăng cường công tác kiểm tra tiến độ tại các KCN, trong đó trọng tâm là hai KCN lớn Phú Bài và Phong Điền, xử lý nghiêm các dự án không triển khai hoặc “giữ đất”, đồng thời sẽ thu hồi các dự án chậm tiến độ khác mặc dù nhà đầu tư có xây dựng một vài hạng mục nhỏ nhằm chấn chỉnh hoạt động đầu tư, tạo môi trường lành mạnh để các KCN phát triển”.
Không để kéo dài
Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh, tính đến ngày 30-8-2014, đơn vị này đã ra quyết định thu hồi 13 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký chiếm 653 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án quy mô lớn nhưng không triển khai theo kế hoạch như Công ty TNHH TM & DV Tai Sun Việt Nam với dự án sản xuất tã giấy, khăn ướt; Công ty CP khoáng sản gạch men Thừa Thiên Huế sản xuất gạch ốp tường; Công ty TNHH JK Gloobal với dự án kinh doanh hạ tầng KCN Phong Thu; Công ty TNHH Tsunoda Việt Nam với nhà máy sản xuất kềm; Công ty CP khoáng sản gạch men với nhà máy gạch ốp tường… Hiện, Ban tiếp tục rà soát và sẽ có hướng xử lý đối với các dự án chậm tiến độ, ngưng hoạt động hoặc kéo dài thời gian thi công nhằm chấn chỉnh các dự án “treo” diễn ra tại các KCN trên địa bàn.
Nhiều dự án "treo" khiến hạ tầng các KCN nhếch nhác và không đồng bộ |
Tính đến nay, các KCN tỉnh đã thu hút 91 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 18.309 tỷ đồng, vốn thực hiện 4.094 tỷ đồng và 149,74 triệu USD. Trong đó có 8 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, 20 dự án sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 59 dự án sản xuất trong nước, giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động tại các địa phương.
|
Ông Nguyễn Hữu Trân cho biết thêm: “Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, BQL các KCN, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tiến độ các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ để có hưởng xứ lý và giải quyết dứt điểm, trả lại quỹ đất bố trí cho các nhà đầu tư có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện một số DN đã “lách luật” để không vi phạm do đến thời hạn thu hồi dự án, nhiều DN lại đầu tư một vài hạng mục dẫn đến tỉnh không thể thu hồi giấy phép. Mặt khác, theo cam kết với các nhà đầu tư là hạ tầng ngoài hàng rào phải được đầu tư trước khi các dự án hạ tầng và sản xuất kinh doanh khởi công dự án, song do thiếu vốn nên nhiều công trình hạ tầng ngoài hàng rào tại các KCN đến nay vẫn chưa đồng bộ, khiến DN chậm triển khai dự án.”
Nhằm tạo động lực để các dự án triển khai theo kế hoạch và đạt tỷ lệ lấp đầy chỗ trống tại các KCN, những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào tại các KCN. Cụ thể, một số tuyến đường vào KCN Phong Điền, xây dựng nhà máy xử lý nước thải KCN Phú Bài giai đoạn II, đưa vào sử dụng cầu qua sông Phú Bài và một số công trình khác với tổng vốn đầu tư chiếm hàng chục tỷ đồng, góp phần tạo điều kiện để các DN hoạt động tốt. Mặt khác, các dự án đầu tư vào các KCN còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn như tiền thuê đất thấp, áp dụng cơ chế thu nộp linh hoạt, hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề cho công nhân, hỗ trợ các chi phí đăng ký ISO, đăng ký bản quyền thương hiệu, bản quyền phát minh, sáng chế…
Vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là bao giờ các dự án treo mới hết treo? Chế tài như thế nào và cần một giải pháp tích cực, rốt ráo để xử lý tình trạng lách luật như chúng tôi đã nêu ở trên. Đó mới là những việc cần được triển khai để tạo ra một sự thay đổi và hướng đến sự phát triển. Ít nhất thì cũng là những khởi động đều, đồng bộ trước khi hướng đến tiêu chí phát triển bền vững...