Sách dày 350 trang khổ lớn, gồm 18 chương, không chỉ là những trang viết trên hành trình tác nghiệp của một nhà báo may mắn được chứng kiến hầu hết nhưng sự kiện lớn của đất nước có “tuổi thọ” trên dưới nửa thế kỷ mà TNNĐN thực sự là một tác phẩm mới - mỗi chương được tác giả sắp đặt theo một chủ đề, những trích đoạn từ các trang viết “ngày xưa” được gắn kết bởi người “dẫn chuyện” dù đã 90 tuổi vẫn đầy sức cuốn hút.

Ví như một “tiết mục” ở chương 2 có tiêu đề “Mối tình đầu và người vợ tao khang”, cứ tưởng tác giả tiết lộ chuyện riêng thầm kín thời trẻ, hóa ra là cuối đời, PQ đúc kết “duyên nợ” của ông với hai “người yêu” là báo chí và văn chương: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù con đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí… và tôi đã suốt đời chung thủy với người vợ... cho dù ma lực văn chương tương tự mối tình đầu, thi thoảng lại hiện lên gieo cho mình chút vấn vương”.

Có lẽ điều cần nói thêm là chính nhờ “vấn vương” với “mối tình đầu”, tác phẩm báo chí của PQ đã sống thọ như tác giả nhờ chất văn đậm đà trong những trang viết. PQ đã dành nhiều trang trong chương 2 để kể lại mối tình “vấn vương” từ thời trẻ, mê say với tủ sách đủ loại. Không biết có nên gọi là may mắn không, khi PQ có ông bác sở hữu “cả một tủ xếp san sát những bộ sách dày cộp bằng tiếng Pháp… Gần như có đủ toàn bộ các tác phẩm của Alexandre Dumas, George Sand, Alfred Musset, Gustave Flaubert, Chateaubriand, Jean Jacques Rousseau… Lại có mấy cuốn Thần thoại Hy Lạp…”. Có thể nói, nhờ cái vốn văn hoá này mà PQ trở thành cây bút trường sức đi xa cả trong văn chương và báo chí.

Cũng chính nhờ ngòi bút “vấn vương” với văn chương, qua 18 chương sách, bạn đọc như được cùng tác giả sống lại nhiều thời khắc quan trọng của lịch sử đất nước. Đó là những giây phút đầu tiên khi nghe tin Bác Hồ qua đời, là chuyến đi cấp tốc vào miền Nam xuân 1975, cùng lúc với đại quân tiến vào giải phóng Quảng Trị và Thừa Thiên Huế… Đặc biệt, với quê hương “Bình Trị Thiên khói lửa”, tác giả đã dành rất nhiều trang ghi lại những dấu ấn sâu đậm, những kỷ niệm sống mãi với thời gian, trong đó có truyện ngắn đầu tay “Lửa hồng” đăng số báo “Cứu quốc” số Tết  Kỷ Sửu 1949 tròn 70 năm trước với bút danh “Hoàng Tùng”. PQ kể lại: Cuối năm 1948, anh vừa  từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra, tòa soạn họp xem lại số báo mừng Xuân mới, “nhà thơ Chế Lan Viên chợt cao giọng xướng: “Vẫn thiếu một truyện ngắn hay! Ông Hoàng Tùng từ vùng địch hậu mới ra, hãy viết truyện gì về trong nớ đi!”… Vậy là tôi đành phải hì hục cày cho xong một truyện với điều kiện không được quá 2.000 từ…”.

Cuốn sách ra trước thềm Xuân Canh Tý - 2020 này của PQ có đến mấy chương kể lại những mùa Xuân trên đất Bình Trị Thiên. Ngoài chương kể lại “mối tình đầu” với văn chương và truyện ngắn đầu tay “Lửa hồng”, còn có chương “Bông mai không chịu chết”, “Xuất quân sáng mùng một Tết” và “Lá cờ trước Ngọ Môn” đều là chuyện mùa xuân.

Bông mai ấy PQ bất chợt thấy buổi mờ sáng, lúc từ hầm bước lên trong ngày xuân đầu tiên sau khi Mỹ phải ký Hiệp định Paris tháng 1/1973. “… Tôi không tin nổi tai mắt mình… ngay bên mô đất đắp quanh nhằm gia cố căn hầm, một điểm vàng nho nhỏ. Một đóa mai vàng đơn nhất đang cố vươn mình nhô lên khỏi mặt đất…” PQ chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của Mãn Giác thiền sư “Đêm qua hiên trước một nhành mai”; còn tôi nghĩ đến bài ca dao “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” miêu tả sức sống bất diệt trên vùng đất Bình Trị Thiên gian khó. Chuyện bông mai này gây xúc động mãi đến… 42 năm sau, nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm đã viết thành thơ vào một ngày Xuân Ất Mùi – 2015: “Giữa ngổn ngang đổ nát/… Cành mai vàng kiêu sa đọng chút sương/ Bông mai và mùa Xuân không chịu chết”.

Chính là dân tộc Việt Nam với sức sống diệu kỳ đó mới có cuộc “Xuất quân sáng mùng một Tết” (24/1/1974), PQ được cùng tướng Đồng Sĩ Nguyên và Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh chứng kiến hàng trăm xe chở bộ đội và vũ khí của binh đoàn 559 “cùng lúc rùng rùng nổ máy chuyển động, lần lượt nối đuôi nhau tiến vào phía Nam…”

Cuộc xuất quân ấy chính là “tiên báo” sẽ có ngày PQ được thấy “Lá cờ trước Ngọ Môn” đúng vào giải phóng Huế 25/3/1975. PQ kể lại: “Người tôi gặp đầu tiên tại cơ quan Khu ủy Trị Thiên không ai khác là ông bạn đồng tuế đồng hương, nhạc sĩ Trần Hoàn… Tôi đã gặp và phỏng vấn nhiều nhân vật tên tuổi xứ Huế bấy giờ: Linh mục Nguyễn Văn Bính giảng viên Trường La Providence, Linh mục Nguyễn Kim Đính, Chánh xứ Giáo xứ Phú Cam, Hòa thượng Thích Mật Hiển, trụ trì chùa Trúc Lâm, bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế… giáo sư Vĩnh Phối…”. Sau đó, PQ còn trở lại Huế nhiều lần, gặp gỡ trò chuyện với rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức, như Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính…

Không thể trích dẫn hết những dấu ấn của Huế và Bình Trị Thiên trong TNNĐN của PQ. Năm tháng trôi qua đã hàng chục thập kỷ, nhưng tất cả vẫn như tươi nguyên; và hơn thế, còn cả tính thời sự. Xin dẫn thêm một câu PQ ghi lại ý kiến của cụ Nguyễn Hữu Đính từ “ngày xưa” ấy: “Bác say sưa nói về chuyện chính quyền ta cần phải tìm mọi cách bảo vệ môi trường tự nhiên… Bác băn khoăn trước việc cái thảm thực vật che phủ mặt đất đang co hẹp dần, về sự hao mòn của diện tích các khu cây xanh… Nếu ta khai thác tốt bảy trăm hecta vườn sẵn có, ta sẽ không những giữ được các nguồn đặc sản từ các khuôn viên xứ Huế mà vẫn có thể làm ra thêm một khối lượng thực phẩm đáng kể…”.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

(Đọc “Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi” – Hồi ký của Phan Quang, NXB Văn học, 12/2019)