Ngôi nhà của bà Lê Thị Loan ở KTT số 3 Lê Lợi xuống cấp và rách nát rất nguy hiểm đến tính mạng và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị xung quanh khuôn viên Đại học Huế
Hoàn tất việc di dời trong năm 2020
Trái ngược bên cạnh Tòa nhà hành chính Đại học Huế có kiến trúc đẹp, KTT số 3 Lê Lợi xuống cấp, nhếch nhác lâu nay vẫn tồn tại các hộ gia đình đang sinh sống.
Với diện tích 1.600m2, KTT số 3 Lê Lợi hiện có 19 hộ sinh sống, trong đó có 16 hộ thuộc đối tượng CBCNV - LĐ của Đại Học Huế và 3 hộ từ bên ngoài vào xây dựng nhà ở từ sau năm 1975.
Hơn 40 năm qua, do nằm trong diện sẽ di dời giải tỏa nên các hộ dân không đầu tư nâng cấp, sửa chữa khiến đa số các ngôi nhà đều xuống cấp, rất nguy hiểm đến tính mạng cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Là một trong 19 hộ sinh sống tại KTT số 3 Lê Lợi hơn 40 năm, đến nay, căn phòng rộng chừng 15m2 của bà Lê Thị Loan các bức tường ngăn rệu rã, nhiều đòn tay gãy nên gia chủ phải chống đỡ bằng các thanh gỗ để sống qua ngày. “Gia đình khó khăn không đủ điều kiện mua đất xây dựng nhà ở nên phải gắng gượng ở đây. Đêm nào trời nổi gió lớn, mấy bà cháu phải chạy nhờ qua nhà hàng xóm lánh tạm. Mong muốn Nhà nước cho di dời càng sớm càng tốt...”, bà Loan chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Đại học Huế Trương Quý Tùng, qua khảo sát thực tế và tiếp nhận các ý kiến của các hộ dân ở KTT, Đại học Huế đã phối hợp với UBND TP. Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo với UBND tỉnh, đồng thời thông báo các hộ gia đình về hiện trạng KTT và dự kiến bố trí tái định cư tại các khu quy hoạch của Đại học Huế.
Ông Tùng cho biết, trước mắt sẽ bố trí từ 5-6 hộ tại khu đất ở đường Triệu Quang Phục, sau đó sẽ tiếp tục bố trí tại khu quy hoạch Bàu Vá và Trường Bia, cố gắng sẽ thực hiện xong trong năm 2020 để các hộ dân ổn định cuộc sống, đồng thời lấy lại quỹ đất để đơn vị chỉnh trang nhằm tạo cảnh quan môi trường xung quanh khuôn viên Đại học Huế.
Chờ quỹ đất
Cùng với KTT số 3 Lê Lợi, hiện 11 hộ đang sinh sống tại KTT số 5 Nguyễn Tường Tộ cũng đang mong ngóng từng ngày được di dời đến nơi ở mới, để ổn định cuộc sống.
Theo bà Mai Thị Lệ Hằng, KTT số 5 Nguyễn Tường Tộ là khu đất của Tổng kho thực phẩm nông sản Bình Trị Thiên, bố trí cho cán bộ sinh sống từ sau năm 1975 với diện tích mỗi gia đình từ 20- 60m2. Sau này, khu đất này thuộc thẩm quyền quản lý của Nhà nước nên nằm trong diện di dời giải tỏa để xây dựng các công trình dân sinh.
“Vì nằm trong diện di dời giải tỏa, chúng tôi không được sửa chữa, xây dựng hay mở rộng công trình nên nhà cửa xuống cấp, đất chật người đông rất khổ sở. Mong muốn của bà con nếu Nhà nước có kế hoạch di dời thì nên thực hiện sớm để “an cư lạc nghiệp”, ổn định lâu dài”, bà Hằng cho hay.
Cùng với nguyện vọng của bà Hằng, bà Nguyễn Thị Diệu Huyền kiến nghị, nếu Nhà nước không có kế hoạch di dời thì nên thông báo để chúng tôi đầu tư kinh phí sửa chữa nhà ở, khỏi phấp phỏng đợi chờ.
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Châu Văn Lộc thông tin, cùng với KTT số 3 Lê Lợi sẽ triển khai di dời và bố trí tái định cư trong năm 2020 do đơn vị quản lý là Đại học Huế triển khai, hiện UBND TP. Huế đang xây dựng kế hoạch và lập phương án giải phóng mặt bằng đối với KTT số 5 Nguyễn Tường Tộ vì đây là khu đất thuộc thẩm quyền Nhà nước quản lý. Song, do đến nay vẫn chưa tìm ra quỹ đất để bố trí tái định cư nên thành phố đang chỉ đạo các ban ngành nghiên cứu, đề xuất phương án, đồng thời tìm quỹ đất phù hợp để triển khai công tác di dời sau khi đã thống nhất địa điểm cụ thể.
Bài, ảnh: Thanh Hương