Bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển (phải) khám bệnh miễn phí cho người dân

Bác sĩ Hiển là cán bộ trẻ duy nhất trong tỉnh được tuyên dương “Cán bộ công chức, viên chức trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018; một trong 392 đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc được vinh danh tại lễ tổng kết đợt hoạt động “Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác” năm 2019. Tháng 9 vừa qua, anh là một trong 20 cá nhân vinh dự được Tỉnh ủy tặng Bằng khen trong 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 về học Bác.

Rèn đức, luyện tài

Bác sĩ Quang Hiển tâm sự: “Sau khi vinh dự được Trung ương Đoàn tuyên dương tại Đại hội “Thanh niên tiên tiến toàn quốc làm theo lời Bác” năm 2016, tôi tự hứa phải có trách nhiệm hơn trong cuộc sống, công việc để xứng đáng với danh hiệu mình được nhận bằng những hành động cụ thể”. Hiện, bác sĩ Quang Hiển vừa hoàn thành nghiên cứu sinh và đang chờ nhận bằng tiến sĩ.

“Thấm” lời căn dặn của Bác: “Thầy thuốc phải thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mạng của họ với các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ của đồng bào”, bác sĩ trẻ Quang Hiển đã đem tình cảm, tâm huyết của mình vào công việc.

Tốt nghiệp bằng giỏi y đa khoa Trường đại học Y dược Huế, năm 2011, bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển được nhận vào công tác tại Khoa Gây mê Hồi sức A, Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngay thời gian đầu mới vào nghề, bác sĩ Hiển đã thể hiện được năng lực bản thân, thành thạo ứng dụng những thiết bị y tế hiện đại trong điều trị cho bệnh nhân; đồng thời luôn tạo tâm lý thoải mái nhất để người bệnh cảm thấy an tâm trong điều trị bệnh. Anh tự tin làm chủ tất cả các bước gây mê hồi sức cho bệnh nhân kể cả những ca khó và phức tạp như trẻ sơ sinh đa dị tật, người già hay những ca mổ cấp cứu.

Trong điều trị, bác sĩ Quang Hiển luôn mạnh dạn, linh hoạt áp dụng phác đồ mới, thuốc mới để mang lại hiệu quả. Với những nỗ lực của mình, sau 5 năm công tác, bác sĩ Quang Hiển được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng khoa Gây mê Hồi sức A, trở thành phó trưởng khoa trẻ nhất của Bệnh viện Trung ương Huế thời điểm đó. Đó là vinh dự, cũng là trọng trách thôi thúc anh không ngừng rèn đức, luyện tài.

Chia sẻ về chuyên môn, bác sĩ Quang Hiển cho biết, thuốc gây mê như con dao hai lưỡi, không có công thức chung nào cho ca bệnh nào, chỉ cần sai một li là đi một... đời người. Thiếu một chút thuốc, bệnh nhân tỉnh dậy giữa cuộc phẫu thuật, có thể tử vong tức thì. Thừa một chút thuốc, bệnh nhân có khi không bao giờ dậy nữa. Vì vậy, bác sĩ gây mê phải là “nhạc trưởng”, biết nhuần nhuyễn phối hợp sử dụng liều lượng trong từng ca bệnh mới giúp bệnh nhân có được “giấc ngủ ngon” trong mỗi ca phẫu thuật.

Bác sĩ Quang Hiển không ngừng nỗ lực từ nghiên cứu tài liệu đến học hỏi những bậc thầy đi trước, “gom nhặt” tất cả y đức lẫn y thuật để mang lại điều tốt đẹp nhất cho người bệnh. “Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não, thông thường phải mổ cấp cứu khi nhập viện. Trong trường hợp này, bác sĩ gây mê không có thời gian tìm hiểu kỹ về bệnh nhân mà phải tiến hành gây mê ngay. Vì vậy, đòi hỏi bác sĩ phải xử lý nhanh, chính xác và hiệu quả ca gây mê mà không được để bất cứ sơ suất nào xảy ra”, bác sĩ Quang Hiển cho biết.

Đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh, bác sĩ Quang Hiển luôn có thái độ gần gũi, ân cần của người thầy thuốc nhằm xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần của bệnh nhân. Trong quá trình trao đổi với người nhà bệnh nhân, bác sĩ luôn cố gắng dùng những thuật ngữ thông dụng, đơn giản nhất để họ có thể hiểu.

Tâm huyết với công việc, trăn trở với nỗi đau của người bệnh, bác sĩ Quang Hiển đã “thai nghén” và cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp. Nhiều đề tài khoa học của anh khi công bố được đánh giá cao và hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế.

Nhiệt huyết với phong trào

Ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Viết Quang Hiển đã hăng hái tham gia nhiều chiến dịch hè và khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhiều người dân tại xã A Roàng (A Lưới); huyện Đắc Krông (Quảng Trị); tỉnh Salavan (Lào) và đến nay, nhiệt huyết đó càng được vun đắp khi anh đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong các đợt tình nguyện, bác sĩ trẻ Quang Hiển chứng kiến có nơi, hai ngày mới có nước sạch một lần. Điện chập chờn. Không có sóng điện thoại di động. Người dân chủ yếu là lao động chân tay nên thường mắc bệnh xương khớp. Vệ sinh không đảm bảo khiến nhiều người mắc bệnh tiêu hóa. Không ít người mắc bệnh đau dạ dày vì thói quen ăn cay và uống rượu. Ở vùng xa xôi heo hút, có người đi cả ngày đường mới tới được địa điểm khám. Rất nhiều người (có cụ ông, cụ bà đã 60 - 70 tuổi) lần đầu tiên trong đời được khám bệnh. Trước cuộc sống vất vả và những thiệt thòi của người dân, bác sĩ Quang Hiển và đồng nghiệp quên cả bữa trưa, tiết kiệm từng chút thời gian để tất cả những người đang chờ đợi đều được khám, phát thuốc và được nhận những lời chỉ dẫn, dặn dò.

 Trăn trở từ những chuyến đi là động lực để anh và đồng nghiệp bắt tay kết nối quyên góp, vận động xây tặng nhà tình thương, tặng xe đạp cho học sinh nghèo... “Cũng từ những chuyến tình nguyện đó, những đảng viên trẻ nhận thức hơn về trách nhiệm của mình, biết trân quý những gì mình đang có và phấn đấu nhiều hơn nữa để cống hiến, xây dựng cho quê hương, đất nước”, bác sĩ Quang Hiển bộc bạch.

Bác sĩ Hiển cũng cho biết, anh luôn xem tham gia hoạt động đoàn như là trường học. Ở đó không dạy anh chuyên môn nghề nghiệp, nhưng giúp anh rèn luyện những kỹ năng, hiểu biết nhiều kiến thức xã hội”.

TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc, Bí thư Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển là một trong những bác sĩ trẻ giỏi về chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Điểm nổi bật ở người bác sĩ này là tâm lý ứng xử, tiếp xúc bệnh nhân rất tốt. Nhất là luôn ham học hỏi, đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong công việc, gương mẫu trong các phong trào thi đua của bệnh viện cũng như của Đoàn”.

Bài, ảnh: Hải Thuận