Đại diện 10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác đối thoại tại Hội nghị Thượng đỉnh RCEP lần thứ 3 tại Bangkok, Thái Lan tháng 11/2019. Ảnh: Thai PBS/VOV

Được ASEAN khởi xướng vào năm 2012, việc hoàn tất RCEP sẽ củng cố vai trò then chốt của khối ASEAN trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực. Hiệp định thương mại này sẽ liên kết các nước ASEAN và 6 đối tác đã có FTA (Hiệp định thương mại tự do) với khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Tuy nhiên gần đây, Ấn Độ đã rút khỏi RCEP với lý do lo ngại rằng thị trường nước này có thể tràn ngập hàng tiêu dùng Trung Quốc cũng như các sản phẩm nông nghiệp từ New Zealand và Australia.

Theo các nhà phân tích, RCEP được xem như một thỏa thuận thương mại tiên tiến, nhằm đạt được một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện, bao gồm các vấn đề rộng lớn như thương mại, đầu tư, hợp tác công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp, cùng với nhiều vấn đề khác…

Tác động đến chuỗi cung ứng và thương mại trong ASEAN

Hiện tại, ASEAN có nhiều thỏa thuận thương mại tự do FTA với các nước đối tác. Để mang đến các cam kết đầu tư và tiếp cận thị trường cụ thể hơn nữa, RCEP sẽ đơn giản hóa các quy tắc và thủ tục cho từng FTA trong một thỏa thuận duy nhất và giảm thiểu những tồn tại thiếu hiệu quả trong thương mại hiện nay.

RCEP có khả năng mang lại cơ hội đáng kể cho các nước tham gia khi bao trùm khoảng 45% dân số thế giới (3,4 tỷ người) và 1/3 GDP toàn cầu (khoảng 20.000 tỷ USD). Hơn nữa, các nước này chiếm tổng lượng thương mại 10.000 tỷ USD và 26% dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

RCEP cũng sẽ hạ thấp các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, thu hút các công ty nước ngoài muốn tham gia vào một ASEAN hội nhập hơn. Điều này sẽ tăng cường tính minh bạch trong thương mại và đầu tư, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) của ASEAN tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, theo phân tích của Ban Thư ký ASEAN.

Tương tự như vậy, việc hợp tác kỹ thuật với các nước công nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia sẽ hỗ trợ các DNNVV của ASEAN phát triển các sản phẩm tốt hơn, cạnh tranh hơn, trong đó ngành dịch vụ viễn thông và nông nghiệp dự kiến có thể bùng nổ với các doanh nghiệp mang tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực có thương mại nội ngành cao nhất trên thế giới, chủ yếu nhờ lĩnh vực điện tử phát triển mạnh và chuỗi cung ứng được xây dựng tốt. RCEP sẽ thúc đẩy xu hướng này nhờ giảm thuế và áp dụng các cải tiến mới làm tăng các giá trị gia tăng cho các sản phẩm địa phương.

RCEP mang lại lợi ích gì cho các nước ASEAN?

Singapore: Sự hội nhập sâu rộng của RCEP dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho Singapore với vai trò của một trong những quốc gia hàng đầu trong chuỗi cung ứng và thương mại khu vực ASEAN. Tuy nhiên, RCEP gần như sẽ khó có thể làm gia tăng đáng kể các chỉ số thương mại của Singapore trong thời gian ngắn. Quốc gia này đã có các thỏa thuận song phương với tất cả các đối tác ngoài ASEAN, cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Trung Quốc. Ngoài ra, các chính sách giảm thuế quan lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu chính có thể sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn trong nhiều năm, do đó sẽ khó có thể khiến xuất khẩu tăng mạnh trong ngắn hạn.

Thái Lan: Là quốc gia mà xuất khẩu chiếm đến 70% GDP, Thái Lan có thể hưởng lợi từ RCEP thông qua việc tích hợp nền kinh tế đất nước nhiều hơn với chuỗi cung ứng và tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn ở châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà xuất khẩu Thái Lan có thể hưởng lợi về giá trị thương mại và đổi mới, đồng thời các nhà sản xuất cũng có thể mua được nguyên liệu thô rẻ hơn từ nguồn hàng lớn hơn.

Philippines: RCEP sẽ giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ yếu được Philippines sản xuất trong nước. Ngoài ra, các nhân viên dịch vụ tại Philippines, như thuỷ thủ, giáo viên, lập trình viên CNTT và kỹ sư có thể được hưởng lợi khi có thêm nhiều cơ hội từ nhu cầu của các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Indonesia: Tương tự, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN - sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng trong khả năng tiếp cận thị trường, đầu tư và cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Từ đó, những tiến bộ này sẽ dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu - điều rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Indonesia.

Malaysia: Phần lớn các giao dịch thương mại của Malaysia là với các thành viên RCEP, và thỏa thuận RCEP sẽ mang đến cho các công ty và người tiêu dùng Malaysia cơ hội đẩy mạnh thương mại và tăng cường các mối quan hệ đối tác. Các công ty chuyên về các ngành như viễn thông, tài chính, ngân hàng và tư vấn sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác nâng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp Malaysia cũng sẽ được tiếp cận tốt hơn với nguồn nguyên liệu thô chất lượng có giá cả cạnh tranh.

Việt Nam: RCEP cũng sẽ mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm trong các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam như viễn thông, CNTT, dệt may, giày dép và nông nghiệp - tất cả được sự báo đều sẽ tăng trưởng liên tục với doanh thu xuất khẩu tăng.

Các nền kinh tế  nhỏ hơn trong ASEAN: RCEP được kỳ vọng có thể tạo điều kiện cho các nền kinh tế nhỏ hơn trong ASEAN, bao gồm Lào, Myanmar, Brunei, Campuchia - tăng cường hơn nữa các FTA và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ ASEAN Today & Research Gate)