Một nhà văn ẩn danh có hàng triệu người đọc, đặc biệt là lớp trẻ. Ông chuyên viết những mẩu chuyện bày lớp trẻ cách học, cách thức làm ăn, cách sống… có kể chuyện này: “Động vật trên thế giới được chia làm 3 loại: thú cưng, thú hoang dã và thú sản xuất ra hàng loạt theo lối công nghiệp. Chúng ta chỉ được ăn loại thứ ba”. Theo giải thích của ông, thú cưng là loại thú nuôi trong nhà, nó như người bạn thân thiết. Chúng ta không thể ăn thịt người bạn thân thiết được. Thú hoang dã nó làm cho môi trường sinh thái phong phú, cũng không được ăn. Chỉ có thể ăn loại thứ ba, loại sản xuất ra hàng loạt. Loại này là thực phẩm nuôi sống con người. Xem ra, những lời ông nói rất chí lý.

Cò về thành phố. Ảnh: TRẦN THIỆN

Cái cách điều hành của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh có vẻ như luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên. Khỏi nói những cuộc gặp gỡ giới này giới kia để trao đổi, động viên; biên thư gửi cho Nhân dân Thừa Thiên Huế kêu gọi cùng chung tay xây dựng thành phố Huế… mà ai cũng biết, mới đây, ông làm cho nhiều người ngạc nhiên nữa – ra chỉ thị cấm cán bộ công chức, viên chức không được ăn thịt rừng và các loại chim trời.

Tôi là người làm báo gần 30 năm. Trước thì tôi không biết. Song tôi chưa thấy ai quan tâm đến những điều như vậy. Việt Nam chúng ta là một trong số ít nước trên thế giới ăn cả ba loại thú nêu ở đầu bài. Và có vẻ như, thú hoang dã và thú cưng càng được nhiều người ăn thích thú. Chúng ta chỉ nhìn vào giá đã thấy động vật hoang dã và chim trời cạn kiệt đến như thế nào. Một con chim cu đất giá bây giờ đến 150 -200 ngàn đồng. Một con chồn đến vài triệu đồng. Một con nhím, con trút thì càng đắt hơn. Vì sao giá đắt? Vì khan hiếm. Tiền được bỏ ra để ăn những thứ đắt đỏ như vậy có nhiều nguồn, nhiều giới, nhiều cách… khác nhau.

Có một điều nguy hiểm là giá càng đắt thì càng kích thích người ta săn lùng. Cho nên chúng ta không ngạc nhiên gì con mang, con nai gần như tuyệt chủng. Ngay một loài họ chuột sinh nở nhanh theo cấp số nhân, đó là con dúi thì nay cũng 400 – 500 ngàn đồng/kg. Chúng ta lấy của rừng nhiều thì chính chúng ta trả giá cho môi sinh, môi trường, chứ không ai khác.

Chỉ thị của ông Phan Ngọc Thọ không đơn thuần là một mệnh lệnh hành chính mà đây là vấn đề đạo đức, văn minh. Tôi vừa làm nhà ở một vùng ven thành phố. Gần đó có một chiếc máy xay gạo. Máy xay gạo thời này cũng thuộc loại hiếm hoi. Người nông dân quanh đó vẫn còn trồng lúa, không nhiều lắm, người chỉ vài sào. Chủ yếu là họ tự cung tự cấp, gọi là gạo ruộng. Cho nên chiếc máy xay gạo này vẫn còn lý do để tồn tại.

Có thóc, từng đàn chim sẻ bay về đây tìm thức ăn. Và không ít trong số chúng trú ngụ trên mái nhà ngói của tôi. Mỗi sáng thức dậy nghe tiếng chim sẻ ríu rít trông thật thanh bình. Tôi nghĩ, thời buổi này, chúng ta thiếu gì thứ để ăn mà phải cần đến thân hình bé nhỏ của loài chim sẻ. Là người lớn chúng ta phải ngẫm lại mình và có trách nhiệm dạy dỗ cho con trẻ yêu thương các loài động vật, chim trời. Nó làm cho tâm hồn chúng ta phong phú, cuộc sống này thêm tươi đẹp.

Mùa khai giảng vừa rồi, bức thư của một học sinh nhỏ tuổi đề nghị nhà trường không nên dùng bong bóng bay đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Suy nghĩ của em đơn giản là bong bóng bay sẽ trôi ra biển và có thể nhiều loài cá không nhận biết được mà ăn phải. Nói lệnh của ông Phan Ngọc Thọ còn là vấn đề đạo đức và văn minh là vậy.

Tôi có dịp đi vài nước ở vùng Đông Nam Á, tôi thấy không nơi nào nhiều chim trời như ở Singapore. Có thể họ có luật lệ bảo vệ chim trời. Nhưng tôi nghĩ rằng, cốt yếu là đất nước họ văn minh. Có phải vậy chăng?

Lê Phương