Nhiều lao động tự do mưu sinh ở chợ hoa nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải dịp tết

1. Trong câu chuyện giữa chốn đông người, việc tết, việc nhà dường như chiếm trọn. “Bao giờ anh về quê”, câu hỏi của tôi vô tình chạm vào khoảng trống chông chênh. Anh Hoàng không trả lời...

Đúng ra, bây giờ anh không còn trên đất Huế mà rong ruổi đến một nơi nào đó ở miền Nam mưu sinh. Huế năm nay không có… mùa đông nên “níu” chân anh ở lại. Cái nghề bán hàng rong của anh cũng có “khung lịch thời vụ”, chỉ ngày nắng chứ trời mưa là phải bó gối nằm nhà.

“Từ tháng 2 đến tháng 8 tui bán ở Huế, sau đó di chuyển vào miền Nam để mưu sinh. Huế mùa đông mưa dầm dề, cánh hàng rong như tui buộc phải chuyển địa bàn. Năm nay, Huế không mưa nên gắng bám trụ đến bây giờ, chứ vào Sài Gòn tốn thêm khoản tiền xe đò”, anh Hoàng bộc bạch.

Những người như anh Hoàng ở Huế không ít, dường như có cả một “đội quân” quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi với gương, lược, kính, ví ra Huế rong ruổi kiếm cơm, đắp đổi qua ngày. Những ngày cuối năm, bước chân họ càng vội vã, nhắc đến tết là nhắc đến nỗi thương nhớ, lo toan. Riêng với Hoàng, anh nghĩ về hiên nhà đang phảng phất mùi tết, nhớ vợ con chờ ngày đoàn viên. Hơn 10 năm xa xứ mưu sinh cũng chừng ấy thời gian anh gặp người lạ hơn thấy mặt vợ, con. Nhớ nhà đấy nhưng chẳng dám về, bởi những đồng bạc lẻ được anh chắt bóp theo ngày tháng không dư dả cho nhiều chuyến đi.

“Tết đến, trăm thứ phải lo nên năm nào tui cũng làm đến 29-30 tết mới về quê. Những ngày bình thường kiếm được 150-200 nghìn đồng. Dịp tết, đường phố đông hơn, khách nhiều hơn nên thu nhập gấp 2-3 lần. Dẫu vất vả nhưng ngày sum họp con sẽ có thêm bộ quần áo mới, vợ có thêm thu nhập trang trải ba ngày tết”, anh Hoàng chia sẻ.

Những ngày cận tết, phố xá đông đúc, sầm uất, cánh hàng rong tự động tăng ca; phụ nữ, người già bươn chải. Ngoài những gánh hàng rong chuyên nghiệp, những công việc thời vụ là “cứu cánh” của bao lao động nghèo.

Nhiều năm rồi, cứ đến những ngày tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Trước (thị xã Hương Thủy) lại có thêm một khoản thu nhập kha khá. Thường ngày, ngoài 5 sào ruộng ở quê, ai kêu chi bà làm nấy để kiếm thêm tiền lo cho 3 đứa con sau khi chồng qua đời. Những ngày này, bà vùi đầu vào công việc và như lời bà, chắc phải tới ngày cuối năm mới có dịp ngơi nghỉ, quây quần bên mâm cơm gia đình.

“Mấy sào ruộng tui đã tranh thủ gieo sạ xong. Thời gian này, tôi nhận dọn dẹp, làm sạch các cơ quan, công sở hay những gia đình có nhu cầu. Tùy theo công việc mà được trả từ 50-150 nghìn đồng/tiếng. Nếu chịu khó thì mỗi ngày kiểm được hơn 500 nghìn đồng. Công việc này mang lại một khoản thu nhập đủ để trang trải cho dịp tết, vì thế nên phải cố gắng”, bà Trước nói.

Và không chỉ công việc như bà Trước, những ngày giáp tết, những nghề “thời vụ” khác như, đánh lư đồng, bán bóng bay, trảy lá mai, sơn nhà… vào mùa, giúp nhiều gia đình có những ngày đầu năm ấm áp.

Tết đến, nỗi lo cơm áo nặng hơn trên vai nhiều hoàn cảnh nhưng với họ, tết vẫn thiêng liêng, ý nghĩa. Sẽ không lạ khi giữa phố thị ồn ào, một cụ già miệt mài với ổ bánh mì bên chân cầu Trường Tiền; bác xe thồ tất bật với những chậu cây cảnh vào đêm 30, hay gánh trái cây cố kiếm thêm khách khi sắp giao thừa... Để ngày tết ấm hơn.

Những lao động tự do đang tất bật những ngày cuối năm để kiếm thêm thu nhập trang trải dịp tết

2. Tết với Hồ Văn Cường (huyện Phong Điền), một thợ giày da ở Bình Dương là mùi bánh thuẫn phảng phất đầu xóm, mùi bánh chưng xanh “xộc” vào sống mũi. Ở cái tuổi phải bon chen mưu sinh, tết này, Cường quyết định về quê trước một tháng để tận hưởng hương vị quê nhà sau ba mùa tết đón giao thừa xứ người.

Dẫu không nói nhưng ai cũng biết, đoàn viên với gia đình dịp tết là nỗi đắn đo của bao người làm ăn xa xứ. Và đôi khi, sau một chuyến hồi hương, họ phải làm lại từ đầu.

“Vào Bình Dương mưu sinh gần 5 năm; vì đồng lương ít ỏi nên không mấy dịp dẫn vợ con về quê ăn tết. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, vợ chồng mình chỉ biết quây quần bên nhau, “đón giao thừa online” cùng gia đình nội, ngoại. Mỗi lần như thế lại nhớ nhà da diết. Do vậy, tết này, vợ chồng mình quyết định gác lại công việc, về quê sớm để đón tết cùng gia đình”, Cường tâm sự.

Tiếc nuối và nôn nao, đó là cảm giác của nhiều lao động. Nhiều người háo hức chờ ngày trở về nhưng không ít phận người ngậm ngùi đón tết xa xứ - đoàn tụ chỉ là mơ ước của tương lai.

Bà Trần Thị Hồng (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang) dường như đã quá quen thuộc với cảm giác ít khi đầy đủ con cháu trong những ngày tết. Bà bảo, dẫu có buồn nhưng đành chấp nhận, thông cảm với những đứa con đang vất vả mưu sinh xứ người.

“Tui có 2 đứa đang làm việc ở miền Nam. Lương công nhân may ít ỏi nên mấy năm nay tụi nó không về quê đón tết. Dù có buồn nhưng tui cũng động viên con để chúng đỡ tủi thân khi đón tết xa quê. Không về năm nay thì năm khác sẽ về”, bà Hồng chia sẻ.

Tết gần chạm ngõ nhưng còn đó bộn bề bao nỗi lo toan. Ở các nhà máy, câu chuyện thưởng tết, lương “tháng 13” râm ran những ngày tháng Chạp. Với công nhân, khoản tiền cuối năm không đơn thuần để vơi bớt nỗi lo tài chính mà còn giúp họ có cảm giác ấm áp, được yêu thương. Dẫu những chuyến trở về đều không giống nhau, và dẫu có trùng phùng hay dang dở thì sau một năm dài sắp khép lại, người lao động mong hành trình về quê ăn tết thật yên vui...

Bài, ảnh: Q. VIÊN