Phát triển tốt dịch vụ lưu trú cao cấp sẽ góp phần thu hút khách cho Huế (Khách đến lưu trú tại Khách sạn Mường Thanh). Ảnh: NGUYỄN HƯNG
Đã dự báo từ trước
Các doanh nghiệp (DN) kinh doanh ở lĩnh vực lữ hành khẳng định, hiện nay, nhu cầu của khách du lịch đã qua giai đoạn ngủ nghỉ “cho có” khi đi du lịch, giờ đây họ phải chọn nơi sang trọng để nghỉ ngơi, tận hưởng. Nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú chất lượng ngày càng tăng, hầu hết các tour du lịch đều chọn ở khách sạn 3 - 5 sao để phục vụ khách.
Anh Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đại Bàng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thông tin, khi chọn khách sạn từ 3 sao trở lên làm nơi lưu trú của khách sẽ đảm bảo khép kín dịch vụ, tạo thuận lợi cho các nhà làm tour xây dựng thương hiệu tour chất lượng, uy tín. Hiện nay, chỉ có khách tự do và một số ít khách đi tour chọn khách từ 2 sao trở xuống.
Nhu cầu khách tăng, cùng với đó là những thị trường khách tăng một cách đột biến, nhất là khách Hàn Quốc, gần đây hơn là khách Thái Lan. Đó như là “trend” (trào lưu) nên càng khiến cho khách sạn từ 3 – 5 sao ở Huế luôn trong tình trạng full (kín) phòng, dẫn đến thiếu hụt. Theo anh Nguyễn Đình Thuận, trước đây, khách du lịch chủ yếu đi bằng máy bay thương mại, hiện các chuyến charter (thuê nguyên chuyến) đưa khách đến miền Trung cùng một lúc, như trong một dịp Tết Dương lịch 2020 vừa qua, khách Thái Lan về miền Trung một lúc hơn 15 chuyến charter, cộng với đó là khách Hàn Quốc, nên hầu hết các điểm đến đều full phòng.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận: “Dịch vụ lưu trú gần như không thay đổi nhiều năm qua. Năm 2017, có 28 cơ sở từ 3 - 5 sao, đến cuối năm 2019 (sau 13 năm) mà chỉ thêm được 1 khách sạn, là Vinpearl. Hiện công suất sử dụng phòng của khách sạn 3 - 5 sao đã vượt qua con số 80%, nên nhu cầu về buồng phòng cao cấp đang rất cấp bách. Việc khách du lịch đến Huế tăng, đôi lúc là nỗi lo vì không có phòng để phục vụ”.
Dự báo về tăng trưởng nguồn khách đã được chỉ ra, thời điểm bắt đầu thiếu phòng đã xảy ra cách nay vài năm, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giải quyết được, phần nào cho thấy sự bị động đối với kế hoạch phát triển dịch vụ lưu trú ở Huế. Trước đó, từ năm 2013, tỉnh đã đặt mục tiêu đến năm 2020, Huế sẽ có trên 20.000 phòng lưu trú, nhưng đến nay vẫn “dậm chân” ở mức trên dưới 10.500 phòng. Hay tại Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt mục tiêu, đến năm 2020, Huế phải thu hút 3 – 3,5 triệu lượt lưu trú, nhưng đến cuối năm 2019 mới dừng lại 2,2 triệu lượt lưu trú.
Chúng tôi từng phân tích, nếu làm một phép tính so sánh đơn giản là trong 2 năm qua (2018 và 2019), số lượng khách lưu trú ở Huế tăng khoảng 20% so với năm 2017 (khoảng trên 300 ngàn lượt khách), còn số phòng vẫn giữ nguyên, mới thấy sự bất cập trong phát triển, dẫn đến hiện tượng thiếu hụt, cung không đủ cầu.
Hội Lữ hành tỉnh cho biết, giải pháp được các DN thực hiện là điều tiết khi lượng khách tăng giữa 3 địa phương (Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam), điểm nào trống sẽ được điều tiết khách đến. Trong điều tiết nguồn khách này, Huế luôn chịu bất lợi vì lượng phòng ít hơn và luôn sử dụng hết (dù số ngày lưu trú trung bình chỉ khoảng 1 đêm) so với các điểm đến khác và dĩ nhiên, đó là một phần nguyên nhân cho thấy sự bị động trong thu hút nguồn khách của Huế.
Giải quyết gốc rễ
Ông Lê Hữu Minh cho rằng, hầu hết các thương hiệu lớn trong du lịch hiện nay đều có ở Huế, như FLC, Sungroup, Vingroup, Ecopak, BRG… Có thể đây là giai đoạn mà các nhà đầu tư phân tán nguồn lực. Chẳng hạn như BRG, khi mua lại Khách sạn Century có cam kết trong vòng 18 tháng sẽ xây dựng lại một khách sạn 5 sao, nhưng rồi mấy năm vẫn chưa triển khai.
Phía các DN lý giải, để đầu tư vào lĩnh vực lưu trú là điều rất khó. Riêng với Huế, lượng khách tăng được xem mang tính thời điểm, chứ không phải bền vững nên nhà đầu tư chưa dám mạnh dạn, bởi rất có thể khi chưa sinh lợi đã giảm nguồn khách. Theo nguyên lý, mỗi khách sạn duy trì lượng khách ổn định cũng phải mất khoảng 25 – 30 năm mới thu hồi vốn. Trong khi đó, việc đầu tư ở các lĩnh vực khác đang cho thấy cơ hội sinh lãi nhanh và cao hơn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú tỉnh cho rằng, với Huế, chỉ có một phương án duy nhất là thu hút thêm các nhà đầu tư, bởi các khách sạn cũ không thể nâng cấp cải tạo thêm. Riêng với dự án khách sạn đã được cấp phép, cần động viên, hỗ trợ cho DN để triển khai nhanh. Lãnh đạo tỉnh cũng tạo áp lực đối với các DN thực hiện nhanh hơn.
Theo anh Nguyễn Đình Thuận, với cơ chế kinh tế thị trường, khi có nguồn cầu, chắc chắn sẽ có nguồn cung. Nếu “miếng bánh” lớn, chắc chắn các nhà đầu tư sẽ vào Huế. Cung cầu sẽ do thị trường tự điều tiết, hiện nguồn cung về khách du lịch ở Huế chưa thể hiện tính bền vững. “Vì vậy, để thu hút trong lĩnh vực lưu trú, Huế phải là điểm đến năng động, hấp dẫn hơn, nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn hơn. Thông tin về điểm đến phải dồi dào, có một dự báo tốt về tốc độ phát triển, xu hướng của các nguồn khách và một cơ chế rõ ràng sẽ thu hút được nhà đầu tư”, anh Nguyễn Đình Thuận góp ý.
“Trong năm 2020, Huế hy vọng tăng thêm khoảng 1.000 phòng khách sạn, resort cao cấp. Cụ thể, Khu du lịch Quốc tế Minh Viễn đưa vào khai thác 300 phòng; Khu du lịch Địa Trung Hải trên 100 phòng; giai đoạn 2 Laguna Lăng Cô; Khách sạn Thuận Hóa; Khách sạn Silk Path Grand (Khách sạn Xanh cũ) đưa vào hoạt động… sẽ góp phần nâng số lượng phòng lưu trú cao cấp, phục vụ nhu cầu của khách tốt hơn". Ông Lê Hữu Minh |
ĐỨC QUANG