Chùa xây theo kiểu chữ Khẩu(*) ở giữa sân bày nhiều chậu cảnh và phong lan, sân trước rộng, sân trong có la thành bao bọc. Ngày trước ở mái hiên nhà khách có con nhồng nói tiếng người rất hay. Khách đến vãn cảnh chùa, thú vị nhất là được nghe và mớm cho nhồng nói. Diện tích chùa khoảng 2 mẫu. Trong khuôn viên chùa có đủ tháp mộ của các vị Tổ sư trong đó có ba ngôi kiến trúc đồ sộ là Tháp Tổ, tháp Hòa thượng Trí Thủ và Hòa Thượng Thanh Trí.
 
 
Phía Bắc chùa có giếng Hàm Long sâu độ 4,5m, dưới đáy giếng có đá giống đầu rồng, nước theo lỗ đá phun ra rất trong và ngọt. Ca dao Huế xưa có câu:
 
 
Nước Hàm Long đã trong lại ngọt
Em thương anh rày có bụt chứng tri
 
Chùa do hoà thượng Giác Phong khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII (Năm tháng lập chùa cụ thể không rõ, chỉ biết Tổ Giác Phong mất vào năm 1714), xưa có tên Hàm Long Thiên Thọ tự. Ban đầu chùa chỉ là một ngôi thảo am, về sau dần dần được tu sửa và xây dựng quy mô.
 
Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát ban cho tấm biển thếp vàng giữa khắc năm chữ Sắc Tứ Báo Quốc Tự, bên tả ghi thêm tám chữ: Quốc Vương Từ Tế Ðạo Nhân Ngự Ðề. Năm 1808 Hiếu Khương Hoàng Hậu quyên tiền trùng tu lại rộng lớn hơn và đổi tên Thiên Thọ Tự.
 
Năm 1824, vua Minh Mạng lấy lại tên chùa là Báo Quốc như cũ. Năm 1858, vua Tự Ðức ban tiền tiếp tục trùng tu. Năm 1957, chùa bị mối mọt đổ nát nên được ban quản trị Tổ đình tái Tổ đinh tái thiết, kèo cột đúc xi măng cốt thép, giữ được nguyên kiến trúc cổ kính.

Năm 1940, Trường cao đẳng phật học được mơt tại chùa Báo Quốc do cố Tăng Thống Ðại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm giám đốc.
Năm 1948, sơn môn Phật Học đường từ chùa Linh Quang được dời về Báo Quốc. Từ đó, chùa Báo Quốc trở thành một trung tâm đào tạo tăng tài mãi cho đến ngày nay.

Bảo Quốc
là một ngôi chùa cổ ở vị trí trung tâm thành phố, được nhiều người biết đến, nên rất tiện cho sinh hoạt du lịch. Từ nhiều năm nay, chùa Báo Quốc rất đông đảo bạn bè, du khách gần xa lui tới thăm viếng.

(NETCODO-Trích Cố Ðô Huế Ðẹp và Thơ- NXB Thuận Hóa 1992)