Cá thể gà rừng được thả về môi trường tự nhiên

“Tảng băng nổi”

Nạn săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) mặc dù từng bước hạn chế nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt triệt để. Một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức, còn lén lút, tranh thủ những lúc cán bộ kiểm lâm sơ hở để săn bẫy một số động vật sinh sống ở các bìa rừng bán cho các hàng quán, “dân nhậu” làm mồi.

Theo lời của các cán bộ kiểm lâm, thường ngày, tình trạng săn bắt ĐVHD không phổ biến. Nhưng cứ vào dịp tết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ thịt động vật rất lớn nên những “tay săn” bằng mọi “thủ đoạn” vào rừng bẫy thú. Các loại động vật thường được “nhắm” đến là nai, mang, mèo rừng, thỏ, khỉ, rắn, sơn dương, cầy rừng…

Một bộ phận người dân và một số hàng quán tại hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và người dân tại một số địa phương sống vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền vẫn còn sử dụng sản phẩm thịt thú rừng chế biến món ăn trong dịp tết, thậm chí thường ngày.

Việc tiêu thụ thịt rừng tại các hàng quán không thường xuyên, lại cất giấu rất kỹ nên các lực lượng chức năng khi đến kiểm tra, mặc dù đột xuất cũng rất khó phát hiện. Đây là vấn đề nan giải đối với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động tiêu thụ sản phẩm thịt thú rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2019, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã tiếp nhận và cứu hộ 27 cá thể ĐVHD, thả về môi trường tự nhiên, trong đó có 8 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm. Hầu hết các động vật này được người dân phát hiện và giao nộp. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm cũng đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ vi phạm về săn bắt, vận chuyển ĐVHD với 35 cá thể, tổng trọng lượng gần 71kg. Trong đó có 15 cá thể động vật rừng nguy cấp, quý hiếm được xử lý, xử phạt hành chính 25 triệu đồng. Tuy nhiên số vụ vi phạm được phát hiện chỉ là “tảng băng nổi”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng, hành vi săn bắt ĐVHD là tội ác, gây mất cân bằng môi trường sinh thái cần phải lên án mạnh mẽ. Không chỉ trong dịp tết mà cả thường ngày, ngành kiểm lâm tỉnh luôn nêu cao cảnh giác, triển khai mọi biện pháp bảo vệ ĐVHD. Các hành vi săn bắt, mua bán, tàng trữ, nuôi nhốt ĐVHD trái phép dưới mọi hình thức đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất của từng vụ việc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù…

Bảo vệ ĐVHD trong dịp tết

Từ những ngày giáp tết, các lực lượng kiểm lâm địa bàn của các hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng, các chủ rừng… phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra tại những “điểm nóng”, thường xuất hiện các loài ĐVHD. Ngay cả cán bộ lãnh đạo cũng “có mặt” tại các “điểm nóng” cùng với các lực lượng để tổ chức các biện pháp ngăn chặn hành vi săn bắt ĐVHD.

Phó Giám đốc Khu BTTN Phong Điền, ông Trần Xuân Hai cho rằng, lực lượng kiểm lâm mỏng, địa bàn phụ trách lại rộng lớn nên việc lãnh đạo phải tham gia ngăn chặn nạn săn bẫy ĐVHD là chuyện thường. Cứ vào dịp tết, các lực lượng, kể cả lãnh đạo đều tăng cường các chuyến tuần tra, kiểm soát tại rừng.

Từ những ngày giáp tết đến sau tết, Khu BTTN Phong Điền lên kế hoạch, phân công lực lượng bám cơ sở, địa bàn để túc trực, tuần tra rừng, kể cả ngày mùng 1 tết vừa bảo vệ ĐVHD vừa ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép. Thường vào thời điểm này, “lâm tặc” lợi dụng các lực lượng sơ hở để săn bắt ĐVHD và tổ chức vận chuyển gỗ rừng.

Gỡ bẫy cứu thú rừng

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc khẳng định, với lực lượng kiểm lâm, đón tết vẫn không quên nhiệm vụ quản lý, bảo vệ ĐVHD. Các loài động vật được bảo vệ không chỉ các loài thú quý hiếm, trong sách đỏ Việt Nam và thế giới mà cả nhiều loài động vật rừng khác theo quy định của pháp luật.

Cứ đến dịp tết, ngành kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp với các lực lượng, ban ngành, chính quyền địa phương ngoài tổ chức tuần tra rừng, ngăn chặn nạn săn bắt còn kiểm tra tại các nhà hàng, quán ăn để xử lý kịp thời hành vi vi phạm việc tàng trữ, mua bán sản phẩm từ động vật rừng.

Mục tiêu của ngành kiểm lâm Nam Đông là không để thịt thú rừng “luồn vào” các hàng quán trong dịp tết, cũng như ngày thường. Các trạm chốt chặn được phân công lực lượng bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt, ngăn chặn thú rừng, sản phẩm từ thú rừng “tuồn về xuôi” tiêu thụ…

Ông Trần Quốc Sửu, Trưởng phòng Dịch tễ-Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh khuyến cáo, không nên ăn các loài thú rừng bị săn bắt. Thường các “tay săn” ĐVHD đặt bẫy nhiều ngày trong rừng, khi đến gỡ thì các con thú đã bị chết có thể thối rữa. Các con thú này khi bán cho các hàng quán buộc phải sử dụng các hóa chất tẩy rửa, khử mùi mới chế biến món ăn. Hoặc nhiều người vào rừng săn thú dài ngày nên phải dùng hóa chất để tẩm ướp, bảo quản chống thối rữa, giữ tươi sau đó đưa đi tiêu thụ.

Tồn dư các hóa chất tẩm ướp động vật dễ dẫn đến ngộ độc, với những người dùng nhiều lần có thể gây ung thư. Ăn thịt thú rừng còn là nguyên nhân truyền nhiễm các bệnh dịch từ động vật sang người, do các loài thú rừng không được kiểm soát dịch bệnh. Việc săn bắt, sử dụng thịt thú rừng hoang dã là nguyên nhân khiến nhiều loài động vật quý hiếm ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều