Mỗi dịp tết đến, xuân về là cơ hội làm ăn của mọi người, mọi nhà bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao. Bên cạnh những tín hiệu vui của thị trường năm nay, một vấn đề nóng, dai dẳng nhiều năm, nhất là dịp cuối năm đó là tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ các loại hàng cấm, hàng kém chất lượng càng gia tăng. Những vụ vận chuyển pháo trái phép, rượu, thuốc lá nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… được các cơ quan chức năng liên tục phát hiện gần đây cho thấy, những kẻ làm ăn bất chính không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả chống người thi hành công vụ. Hệ lụy ở đây không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa, gây tâm lý bất an cho xã hội…
Cuối năm là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp, người làm nghề, buôn bán ai cũng bận bịu với công việc làm ăn, dễ mất cảnh giác, nên bọn tội phạm thường tranh thủ “đục nước thả câu”. Theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, càng cuối năm tệ nạn trộm cắp, cá độ, cờ bạc càng có chiều hướng gia tăng, nên người dân càng phải tăng cường cảnh giác để bảo vệ tài sản, công sức của mình. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, không chỉ các cơ sở kinh doanh, cơ quan doanh nghiệp mà nhiều gia đình đã chủ động lắp đặt camera an ninh, nhưng với những thủ đoạn tinh vi của kẻ gian thì gia chủ không nên ỷ lại hệ thống an ninh mà cần có người ở lại đêm để bảo vệ.
Bên cạnh đó, cuối năm là mùa “làm ăn”, nên nhu cầu sử dụng về điện, xăng dầu, gas… sẽ tăng mạnh; hàng hóa tập kết nhiều. Ở các chợ, các gia đình việc thắp hương, đốt vàng mã khá phổ biến nên nguy cơ cháy nổ gia tăng. Mới đây nhất là vụ cháy chợ Đề Thám (thành phố Thái Bình), hay cháy chợ hoa tết ở thị xã Gò Công (Tiền Giang) ngày 14/1 vừa qua là những lời cảnh báo về tình trạng trên. Vì vậy, việc tăng cường phòng chống cháy nổ trong dịp cuối năm càng không thể lơ là, mất cảnh giác.
Một vấn đề cần chú trọng tuyên truyền, vận động và cần sự tự giác chấp hành của người dân là việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong đó, xử phạt nặng những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia.
Trước đây, ngay cả ngày bình thường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia khá phổ biến. Việc xử phạt nặng tất cả các trường hợp sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện (kể cả xe đạp, xe xích lô) bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, với phong tục, tập quán ngày tết chỉ cần mỗi nhà “mừng xuân” một ly rượu, một cốc bia cũng vi phạm nồng độ cồn. Phong tục tốt đẹp của ngày tết, nhưng hơn ai hết cả người mời lẫn người được mời cũng cần cân nhắc kỹ trước khi uống rượu bia để tránh vi phạm phát luật.
Tại buổi họp thường kỳ tháng 1/2020 của UBND tỉnh ngày 14/1 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Với việc triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định 100 và chỉ đạo của UBND tỉnh, hy vọng trong dịp tết này, giao thông thông suốt, an toàn; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đã uống rượu, bia rồi tham gia giao thông, mang lại bình an, hạnh phúc, vui vẻ trong những ngày xuân.
Hoàng Minh