Máy thêu áo dài do nguồn vốn khuyến công hỗ trợ một phần kinh phí đưa vào vận hành giúp DN nâng cao công suất, tạo ra nhiều mẫu thêu đẹp và hạ giá thành

Sau thành công từ các show diễn áo dài tại Malaysia (2015), thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế qua các lễ hội lớn và Festival Huế, Giám đốc Công ty Đoan Trang, bà Nguyễn Thị Đoan Trang đã phát triển dịch vụ may đo áo dài đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. Từ đó, những mẫu áo dài cổ điển, truyền thống hay áo dài cách tân liên tục được thiết kế và cải tiến mẫu mã để thu hút khách. Những năm gần đây, áo dài được sử dụng nhiều hơn trong sinh hoạt cũng như các dịp lễ, tết nên khâu thiết kế cũng đa dạng hơn, trong đó áo dài thêu luôn được khách hàng lựa chọn và đặt may nhiều.

Tuy nhiên lâu nay, DN chưa có điều kiện trang bị máy móc hiện đại, đang sử dụng máy thêu tay nên năng suất thấp, mỗi ngày chỉ thêu được 1-2 chiếc áo dài dẫn đến thời gian nhận may của khách hàng kéo dài, đồng thời đường chỉ thêu không đều, nét thêu không chuẩn. Sau khi tham khảo các xưởng thêu trong và ngoài nước, DN đã lập đề án xin kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công (KC).

Tháng 7/2019, Sở Công thương đã phê duyệt đề án đầu tư kinh phí trang bị máy thêu áo dài Tajima, nâng công suất gấp 10 lần so với máy thêu tay với công suất khoảng 10 chiếc áo dài/ngày, đồng thời nét thêu đều, đẹp hơn trước, trong khi tiền công thêu giảm từ 20-30% so với máy thêu tay.

Theo bà Đoan Trang, máy thêu Tajima có tổng kinh phí 620 triệu đồng, trong đó nguồn vốn KC hỗ trợ 180 triệu đồng, đây là máy thêu vi tính chuyên nghiệp thêu được trên tất cả các loại vải như vải mỏng, vải kate, vải dày, vải thun các loại. Sau khi vẽ mẫu trên máy vi tính và lập trình sẵn rồi vào máy thêu, máy sẽ tự động thêu theo mẫu để tạo ra những chiếc áo dài thêu tinh xảo và sắc nét, góp phần tôn vinh chiếc áo dài truyền thống và phát triển nghề may áo dài đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch.

Bà Trang cho biết, sau khi thụ hưởng nguồn vốn KC đầu tư máy thêu công suất lớn, những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, DN đã nhận may, thêu hàng chục chiếc áo dài truyền thống và cách tân cho khách hàng. Do máy có công suất cao nên DN không chỉ thêu áo dài do khách đặt, mà còn nhận thêu áo dài, áo kiểu cho các cơ sở may áo dài trên địa bàn tỉnh cũng như khách hàng có sản phẩm cần thêu với thời gian nhanh, giá cả giảm trên 20% so với may thêu tay trước đây. 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hùng Sơn, năm 2020, nguồn vốn KC sẽ tập trung hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh và TP. Huế, trong đó có áo dài, đồng thời khuyến khích các DN, cơ sở may đo áo dài Huế thay đổi máy móc thiết bị để nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu may áo dài lấy nhanh của khách du lịch. Nguồn vốn KC và phát triển nghề sẽ hỗ trợ đầu tư thiết bị hiện đại, đào tạo nghề với mục đích đưa áo dài Huế trở thành sản phẩm chủ lực để nâng tầm thương hiệu áo dài Huế.

Bài, ảnh: Thanh Hương