Khoảng 90% thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Ảnh minh hoạ: NDH

Với khoảng 90% thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển, các đội tàu chuyên chở hàng hoá thải ra 2,2% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu và đang đối mặt với áp lực phải giảm lượng khí thải và các loại ô nhiễm khác.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đặt ra mục tiêu giảm 50% lượng khí thải nhà kính của ngành công nghiệp này vào năm 2050 so với mức khí thải năm 2008. Để đạt được mục tiêu, ngành vận tải cần nhanh chóng phát triển các nhiên liệu phát thải thấp hoặc không có phát thải và thiết kế các loại tàu mới sử dụng công nghệ sạch hơn.

Trong nghiên cứu đầu tiên liên quan đến chi phí, các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoản đầu tư tích lũy cần thiết trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến 2050 sẽ nằm trong khoảng từ 1.000 tỷ đến 1.400 tỷ USD, tương đương với trung bình từ 50 tỷ - 70 tỷ USD/năm trong vòng 20 năm tới.

Ngoài ra, để ngành vận tải có thể khử carbon hoàn toàn vào năm 2050 đòi hỏi phải đầu tư thêm khoảng 400 tỷ USD trong vòng 20 năm, nâng tổng số tiền lên từ 1.400 tỷ - 1.900 tỷ USD. Theo nghiên cứu, khoảng 87% các khoản đầu tư sẽ cần đổ vào các cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất trên đất liền sử dụng nhiên liệu carbon thấp, bao gồm các khoản đầu tư vào việc sản xuất nhiên liệu carbon thấp cũng như cơ sở hạ tầng lưu trữ và kho hàng trên đất liền cần thiết cho việc vận chuyển hàng hoá đặc trưng của ngành này. 13% khoản đầu tư còn lại sẽ được đổ vào các đội tàu thuyền nhằm cải tiến máy móc và các kho chứa trên một con tàu chạy bằng nhiên liệu carbon thấp.

Với hơn một thập kỷ đương đầu với điều kiện thị trường khó khăn, ngành vận tải biển cũng đang phải đối mặt với sự rút lui của nhiều ngân hàng châu Âu trong việc cung cấp tài chính, khiến ngành này thiếu hàng chục tỷ USD tiền vốn mỗi năm.                                                 

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)