Tạo hình nhân vật phản diện Tạ Kim Hùng trong vở “Ngọn lửa hồng sơn”

Tuồng/hát bội - là một trong những di sản văn hoá nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam, xuất hiện từ thời nhà Trần (1225 - 1400). Dưới triều đại nhà Nguyễn, tuồng được phát triển rực rỡ, đạt đến đỉnh cao ở Kinh đô Huế. Bấy giờ, tuồng nở rộ và phát triển mạnh mẽ trong Hoàng cung cũng như nơi dân dã, được mọi tầng lớp trong xã hội ưa chuộng. Nhịp sống hiện đại, Kinh đô Huế đã trở thành Cố đô, Huế lặng dần tiếng trống tuồng. Ca dao vẫn còn nhắc nhớ về thời hoàng kim của tuồng: “Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”. Ấy là tuồng/hát bội của những ngày chỉ cần nổi trống là thu hút khán giả mộ điệu đến chật cả sân đình. Cuộc sống thay đổi nên tuồng Huế hôm nay cũng như nhiều loại hình sân khấu truyền thống khác, khó có thể sống được bằng tiền bán vé cho khán giả.

Cách đây chưa quá xa, những năm 1995-2000, cứ đến mùa Tết, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế lại được các làng vùng biển Thừa Thiên Huế mời về diễn tuồng, nhưng những năm gần đây thì không nữa. Phần vì thị hiếu thay đổi, phần vì điều kiện của Nhà hát không phải lúc nào cũng có thể thu xếp được. Vậy nhưng, nếu có thể kết nối được, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế luôn tạo điều kiện thuận lợi để trống tuồng lại có thể rộn rã phục vụ bà con. Với mỗi nghệ sĩ, tuy kinh phí không là bao nhưng điều quý giá với họ là tâm huyết, đam mê và công sức luyện tập đã được công chúng đón nhận.

Tạo hình nhân vật trong vở “Nghêu sò ốc hến”

 

Ngậm ngùi nỗi nhớ về những ngày chưa quá xa của tuồng Huế, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Hạc (Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế) không giấu niềm “tham vọng”: “Nếu có điều kiện, chúng tôi rất muốn lại được như xưa. Diễn tuồng và đánh trống chầu ngay giữa Nghinh Lương Đình và Phu Văn Lâu, xung quanh có khán giả sắp ghế ngồi xem, ai thích thì đến, không cần phải đến rạp”. Chị háo hức lạ.

Còn nhớ trong đêm diễn duy nhất tại Cố đô Huế trong một đêm mùa hè năm 2017, đoàn tuồng Ngọc Khanh (Đồng Nai) đã thu hút được rất đông khán giả đến với sân khấu dựng trước Thanh Bình từ đường (Thanh Bình Thự) - nhà thờ Tổ nghệ thuật tuồng Việt Nam (phường Phú Hiệp, TP. Huế). Đã quá lâu rồi, một suất diễn tuồng đúng nghĩa mới được tổ chức ở không gian thiêng liêng của Từ đường Thanh Bình. Và đêm ấy, người dân đã tụ về ken dày vòng trong vòng ngoài để “thở cùng nhịp” với tuồng qua các trích đoạn đặc sắc, như: Lớp đại bội, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Huỳnh Châu hội yến, Phàn Định Công chém Sứ đề cờ… Lặng trong lớp lớp khán giả ấy, bà Hà Thị Gái (hơn 70 tuổi) bồi hồi: “Ngày xưa, tụi tui thích đi coi tuồng lắm, có khi phải đi bộ về tận Thuận An. Nghe chỗ mô có đoàn về diễn là lặn lội đi, chồng con có nói chi cũng thua thôi”.

Tạo hình nhân vật Tạ Kim Lân trong vở “Ngọn lửa hồng sơn”

Dành cả cuộc đời để buồn vui với nghệ thuật tuồng, NSƯT La Thanh Hùng nhớ về những năm 80-90 của thế kỷ trước. Hồi ấy, người dân ở những làng biển rất thích xem tuồng. Họ dành cả tháng Giêng để nghỉ ngơi và đón những đoàn tuồng về làng biểu diễn. Mỗi ngày, diễn viên diễn 3-4 suất tuồng. Đoàn diễn ở đâu thì ăn tết ở đó. Đoàn nghệ thuật là nhà và anh em nghệ sĩ là gia đình. Người dân làng biển thường thích xem những vở có đề tài liên quan đến các hoạt động cầu ngư. Trong đó, Sơn Hậu là vở tuồng được ưa chuộng nhất. Ở Sơn Hậu, chủ nghĩa anh hùng bất tử được ca ngợi qua câu chuyện tiếm ngôi và cuộc chiến đấu không cân sức giữa chính nghĩa với gian tà và chính nghĩa đã chiến thắng. Chính nội dung của Sơn Hậu đã đem lại cho người dân nhiều niềm tin về sự may mắn, bình an và no đủ trong năm mới với nghề biển nhọc nhằn. Nghệ sĩ Thanh Hùng kể, cách xem thưởng tuồng của người dân ngày đó cũng độc đáo. Họ không mua vé ngay từ đầu mà chọn đến xem vào một thời điểm nào đó. Khi họ đến, nếu gặp lúc nhân vật nào đang diễn trên sân khấu thì họ sẽ đặt bản thân vào số phận của nhân vật ấy đi “coi thầy”, đoán tài mệnh năm mới cho mình.

Từ trong câu chuyện của NSƯT La Thanh Hùng, tôi mới biết đã từng có một rạp hát tuồng Đồng Xuân Lâu tồn tại ở phố Phan Đăng Lưu sầm uất giữa phố Huế hôm nay. Đồng Xuân Lâu là rạp hát của gia đình Tuần phủ lúc bấy giờ nên còn có tên gọi khác là rạp Bà Tuần. Nghe kể, ấy là rạp hát tuồng tư nhân đầu tiên ở Huế và là một trong 50 rạp hát nổi tiếng của Việt Nam từ giữa thế kỷ trước. Những ngày tết, ngày nào rạp cũng rất đông khách, chật cứng qua cả 3-4 suất. “Bây giờ, các hoạt động diễn tuồng ít nhiều đã có Nhà nước lo, nghệ sĩ không còn áp lực bị khán giả đào thải qua từng vai diễn như thời sống được nhờ tiền bán vé. Nhưng khỏe hơn thì sẽ nhàm hơn và cũng không dễ có những kỷ niệm và ký ức đẹp như xưa”, nghệ sĩ Thanh Hùng lại trầm ngâm.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN