Tết trồng cây được các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng năm. Ảnh: LINH ĐAN

Xứ Huế nắng lắm mưa nhiều, thiên nhiên khắc nghiệt thì nghệ thuật cảnh quan là phương thức thiết yếu để kiến tạo nên bài thơ đô thị tuyệt tác. Thiên nhiên cây cỏ, lá hoa, đất đá, sông nước... đặc biệt được coi trọng, hòa quyện trong đời sống nhân sinh.

Để kiến tạo nên những khu nhà vườn (nhà - phủ đệ - chùa), làm nên tổng thể thành phố vườn, lớp lớp... tiền nhân đã định hình nên quan niệm ứng xử, hệ chuẩn mực đạo đức luân lý, pháp lý cho việc gieo trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Nhờ vậy mà trong đời sống văn hóa Huế, điều đó đã được coi trọng từ trong gia giáo, như sự khởi đầu, theo phương châm “làm người” của cổ nhân: trồng một cây, nuôi một con, lập gia đình, sinh con cái và nuôi dạy nên người, mang lại tiếng thơm cho gia tộc, xã hội.

Việc gieo trồng giúp người lớn chuyển tải nhiều thông điệp để dung dưỡng, phát triển nhân cách trẻ thơ, biết trân quí thành quả lao động, “ăn quả, nhớ người trồng cây” bởi đó là sự kết tinh của trường kỳ công lao khó nhọc “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Hương ước lệ làng truyền thống Huế có nhiều nội dung ưu tiên bảo vệ môi trường, chú trọng việc trồng cây tạo cảnh quan, bảo vệ cây cối ở những nơi có nguy cơ xói lở cao. Đặc biệt, điển chế triều Nguyễn là kết tinh cách ứng xử nhân văn với cây cối của tiền nhân, để chọn lọc hệ thảo mộc phù hợp với từng không gian, đảm bảo chức năng cảnh quan, tâm linh hay sử dụng thân, lá, hoa, quả... một cách tối ưu.

Các vua Nguyễn rất quan tâm đến việc trồng cây, để tạo không gian cảnh quan, chốn triều ca, sơn lăng uy nghiêm, thiêng liêng. Từ thời Minh Mạng, triều đình luôn chủ trương cho dân chúng trồng những cây có tiếng như mù u (nam mai), mít, lâu dài có gỗ dùng được, như trong thành, hai bên đường cái quan trồng mít, bờ đê ven sông trồng liễu, thường phải vun bón bảo vệ cho cây được lớn, có thể dùng vào việc công sau này. Cứ hạn 3 năm phải lập sổ kê khai cây trồng. Đối với vùng cấm địa, chốn sơn lăng của triều đình, phải tuân thủ điển chế nghiêm ngặt.

Văn bản lính hộ lăng (Lê Gia). Ảnh: ĐÌNH HẰNG

Vua Minh Mạng đích thân trồng 10 cây thông ở hai bên Trai cung trong đại lễ Nam Giao, treo thẻ đồng, trên đó khắc bài minh lưu truyền. Nhà vua còn sai các hoàng tử, quan lại tước công mỗi người trồng một cây thông, lưu danh và ngày tháng trên thẻ đồng. Về sau, điển chế có phần thay đổi, quan ở Kinh từ tứ phẩm, quan các tỉnh về Kinh dự tế Giao đều được trồng cây. Đến thời Thành Thái, điển lệ này vẫn được thực hiện, với 10 cây tùng và 10 tấm bia đá, bài minh nhấn mạnh: “... nghi ngút khí lành, trồng cây lấy bóng, duy chỉ có tùng. Đẹp thay tùng cao... Sáng nhờ nắng trời, xanh nhờ đất tốt, vững giữa gió lay, đứng đầu bách mộc... nghiệp đế điềm lành, muôn năm vạn thuở...”

Chốn sơn lăng là cấm địa của triều đình và hoàng gia nên càng được trân trọng, việc trồng cây được điển chế hóa nghiêm minh. Theo lệ khảo xét hàng năm thì Bộ Lễ từng xin sai biền binh 2 vệ Thủ hộ trồng nhiều cây mít, chè, thông trên những khu đất trống trong ngoài sơn lăng, sau 3 năm xem xét thực tế để định nên điển lệ. Trong ba năm đã trồng được hơn 24.500 gốc nhưng ấn định mỗi khoá 3 năm phải trồng 3 vạn cây, nếu hơn thì được thưởng, không đủ sẽ chịu tội.

Bảng đá lưu danh trồng cây (Lê Gia). Ảnh: ĐÌNH HẰNG

Triều đình cũng định rõ việc thu hoạch: các thứ quả do Xứ thị vệ, lá chè do viện Thượng trà, cành thông do Vũ khố..., ai lấy trộm sẽ bị nghiêm trị. Đến thời Khải Định (1917), triều đình còn định rõ việc trồng tùng cứ cây cách nhau 3 thước tây, cả năm mỗi người phải trồng được 10 cây, ghi rõ số hiệu, hàng ngày lo chăm sóc, bảo vệ. Sau ngày Đông chí, hai bộ Lễ - Binh hội đồng khám xét, chấm công chăm lười để thưởng phạt. Việc bảo vệ cây tùng chốn sơn lăng nhằm ngăn chặn tình trạng chặt đốt phá hoại, để “giữ mãi bóng râm, un đúc khí lành” của nơi danh thắng Kinh thành, di tích tổ tông. Theo biên bản ngày 28/2/1912 giữa Toàn quyền Đông Dương và triều đình Đại Nam, các tôn lăng, núi gò sơn phận xung quanh ở Kinh, cấm không được khai khoáng, đốn hạ cây tùng, thường xuyên chỉnh lý, phát dọn cỏ dại để phòng hỏa hoạn. Ở vùng cấm địa, giao ba bộ Lễ - Binh - Công đôn đốc lính hộ lăng giữ gìn cây tùng, thỉnh thoảng trồng thêm, theo lệ lao động công ích.

Ngự Bình là tiền án, cấm địa thiêng liêng, tụ hội khí lành, nên vua Thành Thái ban dụ giữ gìn những cây tùng quí giá. Phủ Thừa Thiên cho người khám xét, chiểu theo giới hạn phần đất phía trong cột mốc, nghiêm cấm người dân không được xâm phạm đất rừng, đốn hạ cây gỗ; hàng năm trồng thêm tùng những nơi trống để cảnh quan luôn xanh mát, làm đẹp thêm phong cảnh Thần kinh.

Lệ định thời Tự Đức (1869) nhấn mạnh thực hiện “10 năm trồng cây”, Bộ Hộ yêu cầu các địa phương thông báo rộng rãi, ai tình nguyện trồng cây thì tỉnh làm văn bản thực mộ hộ trưởng, tự đem người nhà trồng cây ở những chỗ bỏ hoang, với cây chè hoá, dừa, hồi hương, mù u, mít, xoan, sau hạn 5 - 10 năm có hiệu quả sẽ được ban thưởng.

Việc trồng cây được chọn lọc kỹ từ đặc tính sinh học, tiện ích (dùng lá, hoa, quả, gỗ) và bóng mát, tạo giá trị tâm linh cho di tích, cảnh quan, xây dựng nên môi trường sống độc đáo của thành phố vườn tĩnh lặng, phù hợp xu hướng “chậm lại” để nghỉ dưỡng, chiêm nghiệm ở “xứ sở hạnh phúc”. Giữ nguyên các không gian xanh đặc chủng, tái tạo nó để giảm thiểu những đồi trọc đất trống sẽ hiện thực hóa chiến lược và tư tưởng “Huế xanh”, như với những địa chỉ độc đáo: đồi thông đồi tùng Thiên An, Vọng Cảnh, Ngự Bình, Long Thọ, Hà Khê, chốn sơn lăng, kinh thành cổ kính, dòng sông thơ mộng,... hay những đồi “vang danh” mai ngự, ngô đồng, mít, mù u “rặt Huế”.

Trong năm, nhất là vào dịp đầu năm cuối năm, tái hiện các nghi tiết trồng cây thời Nguyễn cho phù hợp với thời đại, gắn liền trách nhiệm và niềm vinh hạnh của các cơ quan, đoàn thể, địa phương, trường học hay cá nhân, trong những lễ nghi cụ thể, ở những không gian cụ thể theo phương thức lao động công ích, xã hội hóa..., sẽ giúp Huế - Thành phố vườn tiếp nối mạch nguồn truyền thống một cách hữu hiệu, tạo sức hấp dẫn du khách.

TRẦN ĐÌNH HẰNG