Bánh chưng xanh (ảnh minh họa)

Hai mươi năm trước, đầu tháng 11/1999 - trước thềm Tết Nguyên đán Canh Thìn, miền Trung mưa tầm tã. Thừa Thiên Huế lượng mưa gần 1.000mm/ngày. Thành phố Huế và vài nơi khác mưa 1.200 - 1.500mm/ngày. Nước sông Hương, sông Ô Lâu… cuồn cuộn chảy, nước lũ lên cao chưa từng thấy suốt dải đất miền Trung. Người ta nói, gần trăm năm nay ít khi nào mưa lớn đến như vậy. Nhiều nhà báo dạn dày kinh nghiệm, viết nhanh, thông thạo sông nước từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, lên đường cùng các đơn vị làm công tác xã hội lao về miền Trung chống lũ cứu dân. Thành phố Đà Nẵng là điểm tập kết - sở chỉ huy tiền phương chống giặc “Thủy tinh”.

Hai sĩ quan, phóng viên ảnh quân đội, nhà báo Trần Hồng (Báo Quân đội Nhân dân) và Nguyễn Điền (Điện ảnh Quân đội), từ thủ đô Hà Nội được cử đi miền Trung cùng các mũi công an, quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện chống lũ, cứu dân. Hai phóng viên được phân công lên chiếc máy bay trực thăng quân sự bay thẳng vào thành phố Huế. Tổ phi công 3 người nói với hai phóng viên:

- Thời tiết rất xấu, từ Quảng Bình, Hà Tĩnh đổ vào mây đen kịt, gió rít từng cơn, chuyến bay này được dự báo nguy hiểm. Chúng tôi không bảo đảm sự an toàn cho nhà báo.

Phi công nói như ra lệnh:

- Các anh xuống, đợi đi các chuyến bay sau.

Phóng viên nhiếp ảnh Trần Hồng, dân gốc Hà Tĩnh, máu nóng, sửng cồ:

- Ô hay, các anh nói chơi đấy chứ! Mệnh lệnh đến với vùng lũ, chúng tôi phải đi ngay. Máy bay rơi, phi công - quý hơn vàng - chết, nhà báo cũng chết, dân là trên hết, không bàn cãi nữa. Mệnh lệnh từ trái tim, chúng tôi và các anh cùng lên đường!

Tổ phi công nín lặng, thán phục tinh thần sẵn sàng xả thân của hai nhà báo, không thể nói gì hơn. Động cơ máy bay nổ vang rền. Mệnh lệnh cứu dân, thẳng tiến vùng lũ. Dưới cánh máy bay, biển nước mênh mông đục ngầu cuồn cuộn chảy. Dân ngồi trên nhiều nóc nhà vùng ngoại ô Huế cầu cứu sự trợ giúp. Một thùng lương khô, thùng mì tôm ném vội xuống, người già, trẻ em - mấy chục người giành giật với lũ, từ lũ, họ xé vội bao giấy ăn ngấu nghiến, bởi nước lũ chia cắt đường bộ các vùng miền nhiều ngày nay. Một vài mạnh thường quân ở TP. Hà Nội có sáng kiến gói bánh chưng xanh, bánh tét gửi vào vùng lũ, cứu trợ đồng bào. Bánh chưng, bánh tét cho trộn lượng muối vừa phải vào gạo, khi luộc chín, không kèm theo thức ăn, giữa dòng lũ dữ vẫn “xài” tốt, đủ năng lượng để bà con vùng lũ chống chọi với thiên tai. Đường bộ bị lũ chia cắt, đường hàng không là phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ đắc dụng.

Trên máy bay, hai phóng viên nhiếp ảnh, quay phim Trần Hồng và Nguyễn Điền, thời điểm đó tuổi đã ngoài 50. Sẵn sàng đón nhận hiểm nguy, họ lấy thẻ nhà báo, chứng minh gói chung cùng cặp bánh chưng cho vào cái túi ni lông, buộc quanh người. Họ thì thầm, thủ thỉ với nhau: “Đây là bùa hộ mệnh, để vợ con dễ tìm khi… kết thúc cuộc đời”. Đến vùng không phận Thừa Thiên Huế và TP. Huế, máy bay vòng đi vòng lại nhiều lần, không thể hạ cánh, vì mây đen vần vũ, bầu trời đen kịt, gió to, mưa vẫn không ngớt. Từ máy bay, hàng cứu trợ được thả xuống. Nhìn cảnh bà con vùng lũ đón nhận các loại bánh trái, nhiều thùng lương khô, mì tôm từ máy bay đưa xuống cho bà con, không ai có thể cầm lòng, nước mắt mọi người chảy dài, nhòa lệ.

Năn nỉ mãi, phi công mới cho hai phóng viên Trần Hồng và Nguyễn Điền tác nghiệp. Phi công buộc chặt dây dù vào chân nhà báo với thành cửa máy bay. Nhà báo bấm máy liên hồi, nhìn xuống mặt đất, làng bản, nhiều bà con, cụ già mắt trũng sâu, hốc hác đón nhận những túi lương khô, mì tôm, chai nước lọc. Thiên tai đã phải cúi đầu lùi bước trước sự “kháng cự” của đồng bào miền Trung, Nhân dân Thừa Thiên Huế. Chịu nhiều thiệt hại lớn, nhiều bà con và chiến sĩ hy sinh, nhưng chỉ vài tháng sau - Tết Canh Thìn của 20 năm trước, với sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào cả nước, Thừa Thiên Huế và miền Trung đã đón một cái tết sum vầy, nghĩa tình, nồng ấm.

Hai phóng viên Trần Hồng và Nguyễn Điền, với chuyến bay bão táp này đã chụp được những tấm ảnh, quay được những thước phim để đời. Họ đã từng là phóng viên chiến trường, vào sinh ra tử trên mặt trận Quảng Trị - Thừa Thiên - Đường 9 Nam Lào, cùng các cánh quân hùng dũng tiến thẳng vào Sài Gòn trưa ngày đại thắng, 30 tháng 4 năm 1975. Trần Hồng là tác giả của hàng trăm tấm ảnh có giá trị về “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc sống đời thường. Mùa hè năm 2019, Trần Hồng tổ chức thành công cuộc triển lãm ảnh “Mẹ Việt Nam Anh hùng” ở Trung tâm châu Âu, được truyền thông châu lục đánh giá: “Một nhà báo, nghệ sĩ dũng cảm và đắm say nghề nghiệp, đi ra từ chiến cuộc (!)”.

Với chuyến bay vào tâm lũ của 20 năm trước - suýt nữa bị tổ phi công máy bay quân sự cấm cửa, hai nhà báo chiến sĩ đã rất thành công về mặt tác nghiệp, tác phẩm báo chí của họ cho thấy thiên tai tàn khốc đến khủng khiếp. Và con người trên dải đất hình chữ S, nơi khúc ruột miền Trung dũng cảm, vô song - đánh thắng giặc ngoại xâm, thắng thiên tai khắc nghiệt. Nhà báo là thư ký thời đại, nhân chứng sống của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, chống thiên tai… thật đáng tự hào, bởi sự cao quý của cái nghề nguy hiểm và nghiệt ngã này.

Trên trang mạng xã hội - Facebook cá nhân của nhà báo Trần Hồng, lúc 21 giờ 22 phút, tối 2/11/ 2019 - tròn hai mươi năm “đại hồng thủy” miền Trung, đã xuất hiện những dòng thông tin xúc động trên đây, đi kèm với những tấm ảnh tư liệu vô giá về trận lũ lịch sử tại miền Trung, tháng 11 năm 1999, trước thềm năm mới Canh Thìn ngày ấy.

Tháng 11/2019, tổ 5 “lão” sĩ quan: 2 nhà báo và 3 phi công đã kết nối với nhau. Họ cùng nhau họp mặt, kỷ niệm sự kiện hy hữu 20 năm tiến vào vùng lũ. Họ nói, trong cuộc gặp, hướng tới mùa xuân Canh Tý, chắc chắn không thể không có cặp bánh chưng xanh đặc biệt, tái hiện  “bùa hộ mệnh” của nhà báo - bay vào tâm lũ!

PHẠM QUỐC TOÀN