Đế chóp tháp Champa Linh Thái. Ảnh: SVHTT

Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ gồm 2 phần: Bia và đế bia được làm bằng đá. Bia được ghép từ hai tấm đá lớn thuộc hai loại đá khác nhau (đá cẩm thạch trắng và đá sa thạch màu xám), phần trán bia được chạm, khắc nổi các chữ Hán. Phần thâm bia được khắc chạm trổ tinh tế, tỉ mỉ hình rồng uốn lượn ẩn hiện trong mây, các hình dây lá cách điệu, hình hoa văn đắp nổi, họa tiết đệm...

Bia này được tạo lập trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời và vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân.

Trong khi đó, chóp tháp và bệ tháp Champa Linh Thái là một trong những công trình, phế tích của người Champa còn lưu lại, qua lần chuyển dời, xây dựng chùa Vinh Hòa dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, sau đó được trùng tu, sửa chữa và đổi tên thành chùa Trấn Hải dưới thời vua Minh Mạng.

Theo hồ sơ khoa học, Chóp tháp Champa Linh Thái được làm bằng đá sa thạch, màu xám nhạt, hình nón, có kích thước cao 120cm, phần cạnh đáy hình vuông, mỗi cạnh dài 74cm. Chóp tháp được chế tác bằng đá nguyên khối, lỗ mộng trên chóp tháp được chế tác các vật liệu kim loại, đá quý làm tăng tính thẩm mỹ và cũng tạo điểm sáng (như ngọn hải đăng), báo hiệu cho những thủy thủ, những con tàu xác định vị trí, tìm đường vào cửa biển.

P.T