Tại cuộc gặp mặt báo chí cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhắc đến hai điều: thế và lực của Thừa Thiên Huế. Ông cho biết Huế chưa bao giờ được nhắc nhiều như bây giờ. Người ta quan tâm cũng nhiều, tiếng tốt cũng nhiều. Tôi chợt nhớ, cũng tại cuộc gặp mặt báo chí của Công an tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, chưa năm nào Huế đón nhiều đoàn khách từ Trung ương và nước ngoài nhiều như năm nay với 31 đoàn. Ý ông nói rằng, đó là sự quan tâm rất lớn từ Trung ương đối với Huế.

Công ty SCAVI, một trong những đơn vị kinh tế lớn ở Thừa Thiên Huế

Việc Trung ương quan tâm đến Huế thì đã rõ. Chỉ riêng việc trọng đại: Bộ Chính trị ra một Nghị quyết riêng cho Thừa Thiên Huế, xác định thời gian, nội dung, định hướng phát triển, chỉ tiêu phát triển…của Huế (nói chung cho Thừa Thiên Huế - PV) đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 cho thấy rõ điều này.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, nói đến lực, trước tiên là nói đến kinh tế. Song kinh tế của Huế cũng chỉ đứng thứ 25, 26 so với cả nước là cùng. Nhưng thế là rất lớn. Chưa bao giờ Huế được Trung ương, nhà đầu tư và cả nước, nước ngoài quan tâm đến nhiều như bây giờ. Việc của chúng ta bây giờ là giữ gìn, nâng niu và phát huy điều đó. Tựa như đạt được tiếng thơm đã khó, giữ cho được tiếng thơm lại càng khó hơn.

Mười năm qua, từ khi thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển vượt bật cả về kinh tế và xã hội; bộ mặt hạ tầng; cảnh quan thiên nhiên và môi trường; đời sống của người dân; môi trường xã hội và môi trường đầu tư…Mừng với những điều đạt được, song thách thức rất lớn đón chờ phía trước.

Thành phố trực thuộc Trung ương! Đương nhiên nội hàm của nó khác rất lớn về bản chất so với một đô thị bình thường; lại càng khác hơn là một đô thị trực thuộc Trung ương thứ 6 của cả nước nhưng lấy một trong những động lực chính là từ văn hóa. Cái khác là ở chỗ, nhiều tỉnh thành, nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối, lấy động lực chính để phát triển là từ từ kinh tế, thì Huế lấy động lực chính là văn hóa. Kinh tế phát triển cũng phải xoay quanh “cái trục chính văn hóa”, hay nói cách khác văn hóa là nền tảng để phát triển kinh tế; đến lượt mình, kinh tế phải phục vụ cho văn hóa (văn hóa ở đây được hiểu theo một nghĩa rộng hơn: đó là chiều sâu văn hóa (vật thể và phi vật thể); “ chiều rộng” của văn hóa, đó là cảnh quan thiên nhiên, môi trường (môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội)… và giờ đây, thêm một yếu tố nữa : tính cách con người Huế được nhấn mạnh.

Nó cũng giống như cái làm nên bản sắc của người Sài Gòn chính là người Sài gòn – cởi mở, phóng khoáng, bao dung; dung nạp, thích ứng… Bản sắc của Hội An là chính con người phố Hội: hiền lành, chất phát, trung thực và cả giọng nói mang nhiều nét đặc trưng khác biệt… Và bản sắc của Huế - dĩ nhiên là bề dày văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đẹp… và con người Huế có nhiều đặc trưng, phải chăng đó là, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thừa Thiên Huế có những nét rất riêng biệt, rất khác so với nhiều địa phương khác trong cả nước về những giá trị di sản văn hóa; Nói đến Huế là nói đến cố đô, vùng đất rất đặc thù. Con người sâu lắng, trầm tư, ít ồn ào, từ giọng nói đến tính cách…”

Giá trị di sản Huế luôn được bảo tồn, phát huy trong quá trình phát triển, góp phần tạo nên bản sắc Huế

Nói chung, LỰC của chúng ta đã có (lực là hàm ý yếu tố kinh tế như Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá), dù chưa hẳn là nổi trội so với nhiều địa phương khác nhưng THẾ của chúng ta đã khác. Về mặt pháp lý và định hướng – chúng ta đã có “ chiếc gậy” là Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị. Rồi đây, Nghị quyết này sẽ được triển khai sâu rộng để nó thấm sâu vào từng người dân, từ đó, biến những nhận thức thành sức mạnh hành động, cùng chung tay của từng mỗi người dân cho xây dựng và phát triển Huế. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng điều này một khi chủ trương đã có, có quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng lòng của người dân (cứ nhìn vào những chuyển biến về xây dựng cảnh quan và nền nếp đô thị thời gian qua, chúng ta sẽ hiểu điều này). Cơ sở kinh tế của chúng ta chưa mạnh, chưa có những doanh nghiệp lớn lừng lẫy, song môi trường cho đầu tư, cho hoạt động kinh tế đã được cải thiện rất nhiều; nhiều nhà đầu tư lớn cũng đã và sẽ đến; kinh tế khối tư nhân có nhiều chuyển biến đáng kể.

Nói thì rất nhiều nhưng tôi cho rằng,có một yếu tố rất đáng mừng là người dân Huế bây giờ ý thức hơn vị thế của Huế. Ví dụ như thế này: trước đây chừng mười năm, khi nào nói về Huế, chính người Huế (tôi không muốn nói tất cả mà chỉ những gì tôi cảm nhận được) cứ lấy một tỉnh nào đó so sánh và bảo rằng Huế chậm, nếu nói trực ngôn là “ chê”. Giờ thì rất ít nghe. Bây giờ  khách du lịch đến Huế nhiều hơn; túi tiền người dân đầy hơn lên; cảnh quan Huế đẹp lên nhiều; môi trường tự nhiên và xã hội quá tốt…người dân phân lớn là khen Huế, thậm chí tự hào về “ cái sự chậm có lý”. Với tôi, đây chính là động lực quan trọng nhất. “Dễ vạn lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Một khi, dân đã đồng lòng thì không có sức mạnh nào bằng – thực tiễn này đời nào cũng vậy.

                                                      Bài: Lê Phương; Ảnh: Anh Jin