Giữ Huế luôn xanh sạch. Ảnh: Hoàng Hải

Nếu ngôn ngữ ngoài đời sống thường nhật của người dân Huế (xin được nói chung cho Thừa Thiên Huế) thì có thể cười tươi mà rằng: “Nghe mà mát rọt”. Còn trong sâu xa, chúng ta hiểu, Huế bây giờ đã khác; vai trò vị trí đã khác; Huế cần cho Huế phát triển nhưng cũng cần cho cả nước. Đến năm 2025 (mốc được nghị quyết xác định) Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tức là đơn vị thứ 6 của cả nước, nhưng xem ra Huế có nội hàm trực thuộc khá khác biệt so với nhiều thành phố khác – phải lấy văn hóa làm động lực phát triển. Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Nghị quyết xác định ba trụ cột phát triển Huế đó là: Kinh tế - Văn hóa – Môi trường.

Khó có thể nói trong ba trụ cột nêu trên, xây dựng cái nào dễ hơn hoặc khó hơn cái nào, song bằng những đánh giá và nhìn nhận thực tế; riêng bản thân người viết cho rằng, trên bình diện Quốc gia; hoặc ở một qui mô tương đối rộng, như cấp tỉnh xây dựng cho được một nên tảng văn hóa, và một cảnh quan thiên nhiên, môi trường có khi khó hơn gấp nhiều lần so với xây dựng nền tảng kinh tế. Cứ nhìn vào một số đất nước thì biết: Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ cần bốn năm mươi năm để trở thành con rồng, con hổ châu Á; Singapore cần 45 năm để trở thành một quốc gia thịnh vượng. Nhưng để có được bề dày văn hóa, như Huế, phải cần bề dày đến hàng trăm năm. Một cơ sở kinh tế bị phá vỡ chúng ta có thể tìm nhiều giải pháp phục hồi lại như cũ hoặc hơn nhưng một cơ sở văn hóa, có khi mất là vĩnh viễn mất. Bởi văn hóa nó không đơn thuần là tạo dựng lại mà nó có căn nguyên, có đời sống, có hồn cốt. Văn hóa là một thứ “rất khó diễn”.

Văn hóa Huế thì người ta đã nói nhiều và công nhận là một vùng đất rất khác biệt và nổi trội. Có thể một thời gian dài, chúng ta còn nghèo nên chúng ta cần phát triển kinh tế để nâng cao đời sống của người dân, trong đó có không ít những đánh đổi. Giờ chúng ta chưa giàu nhưng tương đối đủ đầy, nên là lúc nghĩ nhiều về về văn hóa. Thế mới biết, văn hóa là cái gốc, mới là cái đích đến của cuộc sống.

Trong thảo luận của Bộ Chính trị như nêu trên: “Giữ Huế là giữ cho cả nước” nó cũng thắp lên trong lãnh đạo và người dân Huế một niềm hy vọng – ngoài nguồn lực trong tỉnh, cả nước sẽ “có trách nhiệm” với Huế hơn. Trách nhiệm ở đây không đơn thuần là vật chất cụ thể: làm một con đường, xây một cái cầu, một bệnh viện, một trường học… mà còn là sự động viên; tạo cơ chế chính sách hợp lý hỗ trợ; liên doanh liên kết phát triển… Tuy nhiên, dù có là gì đi nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là nội lực: Chính cán bộ lãnh đạo và người dân Huế chứ không ai khác phải là chủ nhân để xây dựng thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Muốn vậy, hệ thống tổ chức Đảng và Chính quyền phải chạy suôn sẻ; tạo dựng một môi trường tốt để phát huy hết nội lực, thu hút ngoại lực; Nội lực hay ngoại lực cũng gồm hai nhân tố nhân lực và vật lực. Hai nguồn này có tốt, có hay, có xuất sắc thì mới phát triển nhanh và bền vững. Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết: Bộ Chính trị đề ra mốc năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng Bộ Chính trị cũng nói rằng: Nếu đến năm 2024 mà đạt thì tốt, năm 2023 thì càng tốt, năm 2022 thì càng tốt hơn nữa… Tức là muốn nói đến sức phấn đấu nội tại của chính Thừa Thiên Huế.

Lê Phương