Cam Nam Đông được thị trường ưa chuộng.  Ảnh: MC

Gắn kết thương mại với du lịch dịch vụ

Nhắc đến Nam Đông, ngoài thế mạnh về lâm sản, vùng sơn cước này còn nổi tiếng với nhiều nông đặc sản, thổ sản có giá trị kinh tế hàng hóa như: mật ong, cam, chuối, dứa, ổi, măng rừng, các loại nấm, rau xà lách xoong... Những sản phẩm này ngoài cung ứng tại địa phương còn được đưa về tiêu thụ ở miền xuôi, thành phố.

Tuy đến nay, chỉ mới 2 sản phẩm: mật ong và cam được công nhận nhãn hiệu hàng hoá, nhưng những sản phẩm khác như chuối thanh tiên, tiêu... với diện tích hơn 180ha, dứa hơn 45ha đang là sản phẩm nông sản chủ lực, cho năng suất cao, được nhiều khách hàng ưa chuộng vì cho vị ngọt thanh, đậm đà.

Sản phẩm chế biến từ nông sản, thổ sản như: rượu sinh dưỡng được nấu bằng men các loại lá cây rừng, tinh bột các loại, măng rừng sấy khô... cũng là những sản phẩm đang được địa phương đẩy mạnh phát triển về quy mô, số lượng, thị trường và tiến tới xây dựng nhãn hiệu.

Mật ong Nam Đông từng bước xây dựng thương hiệu. Ảnh: MC

Trong câu chuyện bàn cách kết nối, đưa thương hiệu các sản phẩm Nam Đông vươn rộng ra thị trường, ông Phạm Tấn Son, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Nam Đông tiết lộ: Bắt đầu từ tháng 6 năm 2020, huyện sẽ đưa vào hoạt động chợ phiên, nơi trao đổi mua bán nông đặc sản Nam Đông. Chợ phiên dự kiến mở vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần tại trung tâm huyện, thu hút khoảng 15-16 gian hàng của các xã, thị trấn, HTX, các hội đoàn thể tham gia.

Ông Phạm Tấn Son chia sẻ, ý tưởng triển khai chợ phiên không ngoài mục đích giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương và làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ trên địa bàn, nhất là khi Nam Đông đang ngày càng có nhiều tour du lịch và du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì thế, chợ phiên chính là điểm hẹn mua bán giữa người dân các địa phương và là điểm phục vụ khách du lịch vào dịp cuối tuần.

Đường bộ cao tốc La Sơn - Túy Loan hoàn thành sắp đưa vào sử dụng không chỉ nối gần miền xuôi với vùng núi Nam Đông mà còn kết nối thương mại, du lịch dịch vụ với các tỉnh giáp ranh như Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuyến đường 74 nối Nam Đông - A Lưới được thông suốt cũng mở ra cơ hội trao đổi hàng hoá giữa hai huyện vùng cao.

Vì thế, trong định hướng phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn như khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thiên nhiên thác Mơ, thác Trượt (xã Hương Phú), du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái thôn Dỗi (Thượng Lộ)... sẽ kết nối thêm các sản phẩm từ các địa phương khác để làm phong phú, đa dạng thêm các loại hình hàng hoá, ẩm thực phục vụ du khách và người dân bản địa.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Nam Đông, hoạt động sản xuất, thương mại, du lịch dịch vụ trên địa bàn huyện đã có nhiều khởi sắc trong mấy năm gần đây. Nhiều tour tuyến du lịch hình thành và đang manh nha hứa hẹn sẽ tiếp sức thêm cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ cùng phát triển.

Mua tận vườn, bán tận thôn

Nếu như trước đây, các mặt hàng nông sản, thổ sản, thủ công mỹ nghệ bà con làm ra phải tự mang ra chợ bán lẻ, thì nay, họ chỉ sản xuất, còn khâu thu mua đã được thương lái, chủ cửa hàng kinh doanh đến thu mua tận vườn.

Gia đình chị Phan Thị Duyên, xã Thượng Quảng hiện đang canh tác trồng chuối, dứa, mía, ổi, rau xà lách xoong... Cứ vài ba ngày, gia đình chị thu hoạch các thứ một lần. Như đã giao hẹn, sản phẩm thu hoạch được các quầy nông sản Nam Đông kinh doanh ở TP. Huế, ở thị trấn Khe Tre hoặc các thương lái đến tận vườn thu mua. Nhờ có sự kết nối, nên đầu ra của bà con ổn định, không còn cảnh bán rẻ, bán đổ như trước kia.

Không chỉ sản phẩm địa phương được thu mua tận nơi, bây giờ đường sá thông thương, nên việc mua bán của người dân trên địa bàn rất thuận lợi, không thiếu một loại mặt hàng nào từ các nơi đưa về tận chợ, tận thôn vùng sâu, vùng xa trung tâm huyện.

Ngoài họp chợ ở các điểm: chợ Khe Tre, chợ Nam Đông (xã Hương Xuân) và chợ tạm ở cụm Long Quảng (xã Thượng Long, Thượng Quảng), hiện trên địa bàn có nhiều cửa hàng tiện ích, quầy tạp hoá và đội xe của các công ty phân phối vận chuyển hàng từ miền xuôi lên bỏ tận nơi, nên hầu hết thôn nào, xã nào cũng không thiếu hàng hoá nhu yếu phẩm, vật tư, xây dựng..., đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu sản xuất và đời sống.

Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đông cho rằng, Nam Đông có đặc điểm thuận lợi là các mặt hàng sản xuất nông nghiệp đều đem lại hiệu quả và là sản phẩm đặc sản, đặc trưng của vùng. Tuy nhiên, để hoạt động thương mại dịch vụ phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh sản phẩm hàng hoá và kết nối, trước hết cần tổ chức quy mô hơn, quản lý sản lượng tốt hơn. Củng cố bộ máy điều hành, lực lượng, kỹ năng kinh doanh để hình thành chuỗi liên kết vững mạnh, hoạt động bài bản giữa các nhà. Cùng đổi mới phương thức hoạt động tại những HTX hiện có, sắp tới, huyện sẽ thành lập HTX ở Hương Hoà để liên kết hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ cam Nam Đông với hơn 100 hộ trồng cam là thành viên tham gia mô hình HTX.

Tập trung vào những sản phẩm chủ lực, góp phần tăng giá trị hàng hoá, huyện Nam Đông có định hướng đến năm 2025 phát triển diện tích cây cam từ 160ha lên 400ha, chuối từ 180ha lên 300ha, dứa từ 45ha tăng lên 100ha. Ngoài ra, huyện đang tập trung xây dựng nhãn hiệu Nam Đông chung cho các sản phẩm nông đặc sản và sản phẩm chế biến từ nông đặc sản của Nam Đông.

Tổng giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch năm 2019 đạt gần 625,7 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với năm 2016. Kế hoạch đến năm 2025, tổng thương mại, dịch vụ, du lịch đạt hơn 1.116 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến 2019, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng huyện Nam Đông tăng từ 256,14 tỷ đồng lên gần 370 tỷ đồng, kế hoạch đến năm 2025 tăng lên 620 tỷ đồng.

HOÀI THƯƠNG