Bác sĩ Di luôn được bệnh nhân tin tưởng

Tâm huyết

Nghe "tiếng" bác sĩ Di từ lâu, nhưng khi "mắt thấy tai nghe" trong chuyến công tác ở Nam Đông mới đây tôi càng quý mến chị hơn. Hôm ấy dù trời gần xế chiều nhưng TYT xã Thượng Lộ vẫn có bệnh nhân vào ra liên tục...

Bên hàng ghế hành lang, bà Hồ Thị Bé, ngoài 60 tuổi ở thôn Dỗi (Thượng Lộ) cho biết, thường đến trạm để được tư vấn về bệnh tim mạch và lấy thuốc: "Mấy cô, chú ở đây nhiệt tình lắm, nhất là bác sĩ Di. Bà con hễ ốm đau gì đều đến TYT nhờ bác sĩ Di tư vấn, chữa trị". Bà Bé lại cười, gương mặt đôn hậu, rồi bày tỏ đã bị cao huyết áp gần 5 năm nay, nhưng hiện vẫn ổn nhờ sự quan tâm tư vấn bệnh tật thường xuyên của bác sĩ Di.

Bác sĩ Di thông tin, mỗi ngày TYT Thượng Lộ đón chừng 15-20 lượt đến khám và lấy thuốc BHYT, có lúc lên 20-30 lượt. TYT Thượng Lộ đảm nhận luôn việc theo dõi và quản lý các bệnh về đái tháo đường, cao huyết áp… Kết quả này không chỉ nhờ chuyên môn tay nghề của bác sĩ Di mà một phần được các cấp, ngành quan tâm đầu tư phòng ốc và hỗ trợ thêm máy móc trang thiết bị y tế... Nhờ đó, trạm kịp thời điều trị cho bệnh nhân và chuyển tuyến khi cần nên người dân ngày càng tin tưởng.

TYT xã Thượng Lộ còn là địa chỉ tin cậy của chị em ở địa phương về sinh đẻ. Thời điểm trước những năm 2010, bình quân mỗi tháng không dưới 10 trường hợp trẻ ra đời tại TYT do tin tưởng tay nghề của bác sĩ Di. Gần đây, do điều kiện giao thông thuận tiện, người sinh tại trạm ít dần nhưng các chị vẫn yên tâm đến trạm để được tư vấn, theo dõi, sàng lọc thai nhi định kỳ.

Chúng tôi còn nghe nhiều câu chuyện cảm động của người dân nói về bác sĩ Di. Điển hình như chuyện xảy ra gần 10 năm trước, nhưng giờ nhắc lại chị Hồ Thị Tơm (38 tuổi, thôn Cha Măng, Thượng Lộ) vẫn cảm kích, biết ơn bác sĩ Di. Đó là trường hợp khi cán bộ y tế thôn báo có ca sinh con ngay trong vườn nhà. Lúc ấy, bác sĩ Di báo ngay với TTYT huyện và cùng đến cấp cứu cho người bệnh. Vừa đến nơi, sản phụ đang nằm ngoài trời rét lạnh, có hiện tượng băng huyết vì máu chảy nhiều, bác sĩ Di nhanh chóng sơ cứu đưa về TTYT cấp cứu, cứu sống người bệnh. Nhớ lại ranh giới giữa sự sống và cái chết khi nghe người nhà kể lại, chị Tơm rất sợ hãi và cũng vô cùng biết ơn bác sĩ Di. Đến nay mỗi khi đau ốm, chị Tơm đều đến khám bệnh tại TYT Thượng Lộ vì tin tưởng bác sĩ Di.

Bác sĩ Di nhớ lại kỷ niệm khó quên vào mùa mưa năm 2014, cán bộ y tế thôn báo cho trạm có ca sinh khó tại nhà vào buổi tối. Nghe vậy, bác sĩ Di và đồng nghiệp ở trạm chuẩn bị dụng cụ bất chấp mưa gió đi bộ gần 2 cây số trong đêm vì đường cách trở. Khi đến nhà sản phụ, thấy sản phụ mệt lả, bác sĩ Di lo vì kinh nghiệm cho thấy, đây là trường hợp sinh khó nhưng nếu đưa ra TTYT huyện lại mất thời gian dẫn đến nguy kịch. "Tiến thoái lưỡng nan" cuối cùng bác sĩ Di chọn giải pháp can thiệp tại nhà. Không ngờ, sau hơn 1 giờ đồng hồ vất vả, một bé gái đã chào đời trong niềm vui sướng của gia đình.

Dân mến, dân tin

Nếu không được thông tin và chia sẻ những lời chân tình từ bác sĩ Di, chúng tôi sẽ không nhận ra chị là người dân tộc Cơ Tu. Sinh ra và lớn lên ở vùng khó xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Huế vào năm 1997 chị theo chồng về công tác tại TYT xã Hương Sơn (Nam Đông).

Năm 2003, lúc ấy bác sĩ Di là y sĩ được cấp trên cử đi học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Y dược - Đại học Huế. Hoàn thành khóa học vào năm 2008, bác sĩ Di được sự tín nhiệm giữ chức Trưởng TYT xã Thượng Lộ. Kể từ đó, bác sĩ Di đã tạo thêm niềm tin không chỉ với người dân mà còn với lãnh đạo địa phương khi tham mưu đầu tư xây dựng TYT xã khang trang, triển khai thành công chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2015-2020. Mấy năm qua, TYT Thượng Lộ trở thành một trong những "điểm sáng" y tế tuyến cơ sở vùng cao Nam Đông có cơ sở vật chất khang trang và nhiều trang thiết bị y tế đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân không chỉ ở địa phương.

Những năm gần đây, bác sĩ Di là người cầm trịch, lên kế hoạch triển khai hoàn thành tốt chương trình, mục tiêu y tế quốc gia ở địa phương, như phòng trừ dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng đạt trên 95%, hạ thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ, tham gia các chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng... Dấu ấn nổi bật hơn, ngoài công tác khám điều trị, bác sĩ Di thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xây dựng các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh... ở địa phương. Hiện, xã Thượng Lộ đã có hơn 90% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khống chế các dịch bệnh, như sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, tả lỵ...

Không ít người thắc mắc, là bác sĩ đa khoa có kinh nghiệm, sao chị không làm việc ở những nơi có điều kiện tốt hơn? Chị trải lòng: "Công tác nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại sẽ hữu ích cho việc nâng cao trình độ chuyên môn. Nhưng tâm mình đã nguyện, Nam Đông cũng như xã Thượng Lộ, xã Hương Sơn cho mình rất nhiều kỷ niệm, ý nghĩa cuộc sống…” .

Bác sĩ CK I Võ Phi Long, Phó Giám đốc TTYT huyện Nam Đông, nhận xét: Bác sĩ Hoài Thị Di là người dân tộc Cơ Tu, xuất thân gia đình nghèo nhưng giàu tình thương, sống, làm việc có trách nhiệm và được người dân địa phương tin yêu, gần gũi. Những năm qua, bác sĩ Di được tặng nhiều bằng, giấy khen của ngành trong công tác KCB tại địa phương, xứng đáng làm tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo.

Bài, ảnh: MINH TRƯỜNG