Bà đồ Trương Thị Cúc viết thư pháp trong ngày cận tết

Thư pháp ngày tết

Chiều 28 tết, bà đồ có hàng chục năm trong nghề Trương Thị Cúc vẫn miệt mài viết những bức thư pháp. Nữ chủ nhân quầy thư pháp Tràm Hoa Vàng vang tiếng một thời kể: “Tôi phải chuẩn bị chữ để phục vụ khách ngày mùng 3 – 4 tết theo lời mời của khu du lịch suối nước nóng Thanh Tân”.

Hiện, xu hướng người chơi thư pháp ngày tết tăng hơn so với ngày thường. Bùi Xuân An (bút danh Thiên An), một trong những người trẻ đã có hơn 5 năm trong nghề kể, dịp tết, lượng người đến đặt viết chữ tăng khoảng 50%. Người tìm đến với thư pháp không chỉ mua về cho bản thân mà rất nhiều trong số đó còn mua để tặng người quen, bạn bè như một món quà ý nghĩa dịp tết. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn đặt hàng thư pháp để tặng.

Khác với thường ngày, người chơi thư pháp thường chọn những câu thơ hay những thành ngữ, câu nói hay trong các cuốn sách thì thư pháp ngày tết thường là những câu chúc xuân, câu đối hoặc những chữ mang tính phong thủy, cầu chúc nhiều điều hay trong năm mới như: phúc – lộc – thọ, thành công, bình an, tài…

Chất liệu để viết thư pháp cũng đặc biệt hơn khi cả người viết thư pháp và người chơi đều ưa chuộng những màu sắc tươi sáng, trong đó màu chữ vàng được thay thế cho chữ đen. Ngoài ra, không chỉ viết trên giấy thông thường, nhiều người còn dùng vải lụa hoặc giấy xuyến chỉ bo vải lụa nền đỏ hay viền đỏ để viết thư pháp.

“Màu sắc nổi bật, tươi sáng khiến việc trang trí trong nhà sáng hơn. Đặc biệt là đối với dịp tết, mọi người đều ưa thích những điều mới mẻ, sáng sủa nên chất liệu có sự khác biệt”, bà đồ Trương Thị Cúc giải thích.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Không chỉ người già mà người trẻ cũng đam mê với nghề "ông đồ"

Ông Nguyễn Tuấn, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thư pháp Huế cho biết, từ rất lâu, thư pháp đã trở thành nét đẹp truyền thống và phong trào chơi thư pháp ngày tết phát triển khá mạnh từ bắc chí nam nhiều năm qua. Tuy sự ra đời của nhiều đồ trang trí cạnh tranh với thư pháp song đây vẫn là thú chơi tao nhã được nhiều người yêu thích, vì thế câu nói “Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh/ Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết” ngày nay nhiều người vẫn còn nhắc tới.

Hiện nay, thư pháp ở Việt Nam bao gồm hai dòng chính: Thư pháp Hán – Nôm và thư pháp chữ Việt nhưng do quen thuộc với chữ quốc ngữ, nhiều người lựa chọn dòng thư pháp chữ Việt. Theo những người đam mê thư pháp, trong “chữ” có “nghĩa”. Song song giá trị nghệ thuật về chữ, thì mỗi câu thơ, lời chúc trong mỗi bức thư pháp tết ẩn chứa những ước mơ, hy vọng, lời nguyện cầu cho một năm mới an khang, mọi điều tốt đẹp.

“Người ta thích treo thư pháp ngày tết vì mỗi bức thư pháp chuyển tải một thông điệp hay. Không chỉ người già có thói quen chơi thư pháp mà người trẻ bây giờ cũng rất thích”, ông đồ Nguyễn Tuấn chia sẻ.

Nguyễn Anh Thư, sinh viên Đại học Huế đến từ tỉnh Quảng Nam chia sẻ, khi cuộc sống đủ đầy hơn, người ta lại mong muốn tìm lại những giá trị truyền thống và thư pháp chính là một trong số đó. Mỗi năm trước khi về quê, em lại chọn mua một vài bức thư pháp ở Huế. Giá thành mỗi bức thư pháp không quá đắt nhưng ý nghĩa lại đong đầy, vì vậy quà tết cho gia đình là những bức thư pháp rất phù hợp.

Còn với những người theo nghiệp “ông đồ”, dẫu nghề viết thư pháp không phải “hái ra tiền” nhưng mỗi dịp xuân đến, vẫn gắn bó với từng nét chữ cho cận ngày “tết chạm ngõ”. Bởi, viết thư pháp không chỉ phục vụ người đam mê nghệ thuật này mà còn là cách gìn giữ giá trị văn hóa mang tính truyền thống, giữ phong vị ngày tết.

Bài, ảnh: Hữu Phúc