Hoa đào và những vật dụng ngày tết được bày bán ở chợ Việt tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Thời buổi công nghệ khiến khoảng cách dù xa nhưng hóa lại gần. Từ nửa vòng trái đất ở nước Mỹ xa xôi, anh Nguyễn Quang Lân (quê ở xã Phong Hải, Phong Điền) thông qua mạng xã hội facebook gửi thương nhớ về người thân ở quê nhà. Đây là cái tết đầu tiên anh đón giao thừa bên ngoài biên giới nước Việt. Để ân tình thêm ấm, anh đến những ngôi chợ Việt  sắm sửa đầy đủ những vật dụng đón Tết cổ truyền của dân tộc và không quên cành mai vàng tô thắm thêm sắc xuân. “Lần đầu tiên đón tết ở Mỹ, cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân là không tránh khỏi. Là người Việt, dù đi đâu cũng nhớ về quê hương, nguồn cội. Hoàn cảnh chưa cho phép về quê đón tết nhưng trên đất khách, tôi cũng mua hoa mai, bánh chưng, bánh tét, chả giò, mứt, hạt dưa để đón tết cùng những người bạn xa xứ. Đêm giao thừa cũng làm một mâm cúng không khác gì những ngày tháng ở Việt Nam ”, anh Lân chia sẻ.

Gần 30 năm định cư trên đất Mỹ, số lần đón tết của bà Nguyễn Thị Hoa (quê ở xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) trên đất Việt chỉ đếm trên đầu ngón tay. California – tiểu bang nới bà sinh sống có đông đảo cộng đồng người Việt đang định cư. Tết về, không khí xuân tràn ngập trong từng ngôi nhà của Việt kiều xa xứ. Nắm bắt nhu cầu đón tết của cộng đồng người Việt, năm nào bà Hoa cũng gói bánh chưng, bánh tét, làm giò chả để cung ứng cho cho đồng bào. Bà Hoa làm vậy không chỉ để lưu giữ không khí tết cổ truyền của người Việt mà còn kiếm thêm khoản thu nhập trong những ngày “tiễn đưa” năm cũ.

“Gói bánh chưng ở Mỹ khá khó khăn bởi nguyên liệu để gói khan hiếm. Từ đầu tháp Chạp, tôi phải lùng sục khắp các ngôi chợ Việt để tìm, trữ lá chuối, lá dong để ngày cận tết gói bánh. Năm nay, tôi gói 50 cặp bánh chưng, 30 đòn bánh tét để cung cấp cho cộng đồng người Việt ở California. Dù mỗi gia đình chỉ có vài cặp bánh nhưng đó là hương vị quý giá trong những ngày tết”, bà Hoa tâm sự.

Những đặc sản Việt Nam vẫn được bày bán phục vụ người Việt đón tết ở California, Mỹ. Ảnh: NVCC

Dù ở nơi đâu, tết với người Việt Nam vẫn thiêng liêng, ý nghĩa. Đêm giao thừa, mâm cỗ đủ đầy để lưu giữ một phong tục tốt đẹp của dân tộc. Ở đâu cũng có sự đoàn viên, gần gũi khiến tình quê hương, xóm giềng ở xa xứ càng thêm thắt chặt. “Đêm 30 là thời khắc ý nghĩa. Anh em đồng hương sẽ lên lịch trước, chọn một gia đình tổ chức đón giao thừa. Cùng nhau quây quần bên mâm cỗ, đốt pháo tiễn đưa năm cũ, nâng ly chào đón năm mới. Tết này, chúng tôi lên lịch đón giao thừa từ giữa tháng Chạp, đêm giao thừa sẽ có bánh chưng, mứt, trà, hạt dưa… và vào thời khắc đó chúng tôi sẽ không quên gọi điện về người thân ở Việt Nam để cùng chung vui”, anh Hồ Văn Thành, một Việt Kiều Mỹ cho biết.

Bây giờ, nhiều thế hệ con dân người Việt được sinh ra và lớn lên ở xứ người. Với họ, những phong tục Việt Nam chỉ được biết đến qua các thế hệ trước. 10 năm sinh sống ở Thụy Điển, những đứa con của anh Hồ Văn Cường chưa có cơ hội về Việt Nam. Vì thế những phong tục tốt đẹp của người Việt được Cường chỉ bày cho con cái. “Văn hóa phương Tây khác nhiều so với Việt Nam. Các con được sinh ra, học tập ở Thụy Điển nên khó có cơ hội tiếp cận với văn hóa Việt. Dịp tết là cơ hội để chúng tôi dạy cho con truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc. 10 năm qua, dù ở đâu vợ chồng tôi cũng tổ chức đón giao thừa, làm mâm cỗ cúng ông bà và cùng nhau quây quần trong những ngày tết”, anh Cường nói.

Tết đối với đồng bào người Việt là không thể thiếu, những kiều bào giữ tết Việt không chỉ lưu giữ mà còn góp phần quảng bá phong tục tốt đẹp đến bạn bè quốc tế. “Phong tục lì xì, cúng ông bà, thăm nhau ngày tết của người Việt khiến nhiều người bản địa tỏ ra bất ngờ và thích thú. Năm nào cũng vậy, đến dịp tết cổ truyền Việt Nam, tôi thường đến nhà các người bạn bản địa có mối quan hệ trong công việc để thăm hỏi và lì xì đầu năm. Ban đầu, đa số họ đều bất ngờ nhưng sau khi nghe chúng tôi nói về tết Việt họ rất tò mò và những cái tết sau họ đề nghị được đón giao thừa cùng chúng tôi. Năm nay, bên mâm cỗ đêm 30 của chúng tôi có nhiều người bạn bản địa tham gia”, Nguyễn Công Qúy (quê ở Phú Thuận, Phú Vang, đang sinh sống ở Hà Lan) chia sẻ.

L.Thọ