Áo dài là trang phục của phụ nữ Việt ở Mỹ khi xuân về tết đến. Ảnh: NVCC

Dòng trạng thái được người bạn tên Phương “treo” trên mạng xã hội vào mùng 1 Tết nguyên đán chỉ thế thôi cũng đủ để tôi hiểu được nỗi nhớ thương của bạn trong lòng. Ngày trước, cứ có dịp về Việt Nam là Phương bắt tôi giới thiệu bằng được nơi để may áo dài. Và, ở Huế vải may áo dài được bán đầy trên phố hay các ngôi chợ, còn thợ may áo không khó để tìm được một người ưng ý, chỉ có điều tôi thường hỏi bâng quơ bạn rằng, may để làm gì khi thời gian sống ở Úc dường như không có dịp để mặc. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu!

Tết Nguyên đán năm nay rơi vào cuối tuần nên Phương có vẻ rảnh rang hơn những năm trước. Ngoài mua đầy đủ hạt dưa, mứt, bánh và các món ăn Việt, sáng mùng 1 tết cô còn diện áo dài đi chùa cầu an, hái lộc. Phương bảo, chùa Việt ở xứ cô ở không thiếu nên những phong tục của quê hương dường như không thể nào đánh rơi. Đến chùa, Phương cùng những người bạn lễ phật, cúng dường, xin xăm, cầu an... “Đi chùa ngày tết mình thường chọn áo dài vì đây là trang phục đặc trưng của người Việt Nam. Diện áo dài lễ chùa đầu năm vừa lịch sự vừa kín đáo. Và hơn hết, giữa dòng người du xuân đón tết Việt, diện áo dài trên đất bạn là một niềm tự hào”, Phương bày tỏ.

Với người Việt, chiếc áo dài được xem như Quốc phục, ở đó không chỉ là niềm tự hào mà còn có những yêu thương được gửi gắm trong từng tà áo. Để rồi áo dài trở thành một biểu tượng trong dịp tết đến xuân về.

Nét cổ truyền nơi xa xứ. Ảnh: NVCC

Từ dòng trạng thái của Phương, tôi vội lướt facebook, đến tường của những người bạn, người quen đón tết xa xứ. Quả nhiên, hình ảnh chiếc áo dài không khó để bắt gặp. “Lướt sâu” hơn nữa, những phụ nữ xa xứ thường chỉ được diện áo dài vào ba ngày tết. “Tết năm trước, tôi được dịp về quê đón tết, ghé chợ Đông Ba tìm mua vải may áo dài để sang Mỹ mặc dự đám cưới đứa cháu. Nhưng không hiểu sao đến ngày cưới lại mặc không vừa nên cảm thấy rất tiếc. Tết này, bởi mong muốn được mặc áo dài trong những ngày đầu năm nên tôi quyết định gửi số đo về người thân ở Việt Nam may áo dài gửi sang. Tại Mỹ ngày tết, hầu như phụ nữ Việt Nam nào cũng mặc áo dài. Mặc áo dài không chỉ thể hiện tình yêu đối với quê hương mà còn để bạn bè bản địa hiểu rằng Việt Nam có bộ trang phục đặc trưng, già trẻ đều mặc được và mặc trong những dịp trọng đại”, bà Võ Thị Hồng (quê ở Phong Hải, Phong Điền, đang định cư ở Mỹ) chia sẻ.

Bây giờ, áo dài – trang phục không chỉ được những kiều bào khoác lên mình trong ngày tết mà còn có những người Việt dù sinh ra trên đất bạn nhưng vẫn diện như một sự trân quý. Chị Thu, một Việt kiều Mỹ bảo, cứ đến ngày tết là chị nghĩ đến hình ảnh những gia đình Việt xúng xính trong bộ áo dài cùng nhau du xuân. Chính hình ảnh đó khiến chị quyết định mua áo dài cho các con để cùng nhau đón tết. Chị Thu cho biết: “Thấy con háo hức mặc áo dài không khác gì mẹ khiến tôi có cảm giác ấm lòng, đã 3 cái tết gia đình tôi cùng mặc áo dài đi lễ chùa. Ngoài dịp tết, tôi còn diện áo dài khi đi cưới, hỏi, còn các con thì chỉ tết mới mặc. Ban đầu chúng cũng cảm thấy tò mò, lạ lẫm nhưng giờ thì rất thích thú”.

Tết – nét văn hóa dân tộc không chỉ được người dân trong nước gìn giữ mà còn lan tỏa khắp năm châu, và những kiều bào xa xứ đóng góp một phần không nhỏ để quảng bá. Những ngày này, không chỉ trên dải đất hình chữ S,  ở đâu đó, nếu có người Việt, hình ảnh hoa đào, hoa mai, bánh chưng xanh, xin chữ ngày tết, lễ chùa đầu năm xuất hiện như là cách gửi thương nhớ về quê hương. Đặc biệt, hình ảnh tà áo dài sẽ giữ hồn cốt dân tộc nơi xa xứ.

Q.Viên